Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Hội nghị trực tuyến báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia 6 tháng đầu năm 2022, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2022

Thứ Sáu, 29/07/2022

 Sáng 29/7, tại điểm cầu Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì hội nghị trực tuyến báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia 6 tháng đầu năm 2022, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2022; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Cùng dự có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị; cùng dự có đại diện Lãnh đạo các Sở, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố có liên quan.

 

Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo tại hội nghị: 3 chương trình MTQG được thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025  gồm: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững. Thời gian qua, các thành viên Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo tập trung xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện các Chương trình MTQG. Đồng thời, đang tích cực chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG, làm cơ sở để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai.

Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện. Trong đó, tổng số vốn đã giao đạt 92.057,861 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2015, chiếm 92,06% tổng vốn cho các địa phương; giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 là trên 34.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2022 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện 03 Chương trình MTQG.

Đến hết ngày 26/7, đã có 33/52 địa phương đã trình HĐND cấp tỉnh thông qua nghị quyết phân bổ vốn ngân sách Trung ương, trong đó có 22 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn; 07 địa phương đang trình HĐND cấp tỉnh; 12/52 địa phương còn lại đang trong quá trình xây dựng nghị quyết trình HĐND cấp tỉnh.

Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo. Đến nay, cả nước có 5.813/8.227 xã (đạt 70,7%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 198 xã so với cuối năm 2021: Trong đó, có 803 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tăng 300 xã so và 94 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, tăng 51 xã so với cuối năm 2021; bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã; có 253 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 40 đơn vị so cuối năm 2021 và chiếm khoảng 39,2% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước, hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra trong năm 2022; 17 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 05 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Kết quả thực hiện Chương trình OCOP: Đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt Đề án triển khai OCOP cấp tỉnh; Có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đã có 8.340 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,5% sản phẩm 3 sao, 33,3% sản phẩm 4 sao,1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao. Hơn 4.273 chủ thể OCOP, trong đó có 38,6% là HTX, 26,1% là doanh nghiệp, 32,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đã có 20 sản phẩm OCOP 5 sao (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận năm 2020). Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài.

Tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách giảm nghèo cho người dân với khoảng 19 nghìn tỷ đồng được bố trí từ ngân sách bảo đảm thực hiện. Các chính sách hỗ trợ toàn diện cho người dân như hỗ trợ bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối việc làm; hỗ trợ nhà ở, nước sạch và vệ sinh; giảm nghèo về thông tin. Riêng vay vốn tín dụng xã hội tính đến ngày 30/6/2022 giải ngân hơn 24.421 tỷ đồng cho 460.412 hộ; tổng dư nợ 114.344 tỷ đồng với 2.673.705 khách hàng đang dư nợ. Các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội đặc thù do Trung ương, địa phương được ban hành kịp thời nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 như chính sách hỗ trợ tiền mặt, lương thực, chăm sóc y tế, hỗ trợ máy tính, dịch vụ internet phục vụ học tập trực tuyến cho trẻ em nghèo; hỗ trợ chi phí nước.

Báo cáo tại hội nghị về tình hình thực hiện phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình MTQG, đồng chí Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Hiện nay, HĐND tỉnh mới thông qua nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; đang xây dựng phương án phân bổ chi tiết nguồn vốn NSNN để thực hiện chương trình nêu trên sẽ trình HĐND trình thông qua tại kỳ họp thứ 8, dự kiến trong tháng 8. Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sau khi HĐND tỉnh thông qua nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì chương trình xây dựng phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện chương trình.

Các giải pháp trọng tâm sẽ được tập trung triển khai trong 6 tháng cuối năm 2022, bao gồm: Tập trung đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trong 06 tháng cuối năm 2022. Thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương và của tỉnh về đầu tư công, không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu của chính sách đã ban hành; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý; triển khai công tác tập huấn cập nhật kiến thức, nội dung mới của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp trực tiếp triển khai thực hiện. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình hiệu quả, đúng quy định.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình, trong đó, tập trung vào phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương và đối ứng ngân sách địa phương; hiệu quả thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo; xác định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình; hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình. Thí điểm và nhân rộng ứng dụng phần mềm trong rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Xây dựng phần mềm giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số về Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, của đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng…

Cổng TTĐT tỉnh

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: