Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Khánh Thủy: Nâng cao thu nhập từ cây dược liệu

Thứ Tư, 10/04/2019

Với những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, cây dược liệu đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực của xã Khánh Thủy (Yên Khánh). Các cây như: cây nghệ đỏ, bạch chỉ, trạch tả là các cây thuốc nam chữa được nhiều bệnh, được các nhà khoa học Việt Nam và thế giới đánh giá cao, là mặt hàng xuất khẩu có giá trị và dễ tiêu thụ vì nhu cầu dược liệu ngày càng cao.

 Người dân xã Khánh Thủy sơ chế củ trạch tả. Ảnh: Anh TuấnGia đình ông Nguyễn Văn Ba, xóm 8, xã Khánh Thủy trồng 20 mẫu trạch tả trên diện tích đất 2 lúa của gia đình. Vụ vừa qua thời tiết thuận lợi, trạch tả cho năng suất cao, mỗi sào gia đình ông thu lãi gần 3 triệu đồng. Ông Ba cho biết thêm, trạch tả được cấy từ cây con. Hạt được gieo từ giữa tháng 9, sau khoảng 30 - 35 ngày là có thể đem cấy với mật độ 8 - 10 cây/m2. Thời vụ cấy từ cuối tháng 9 hàng năm với thời gian sinh trưởng khoảng 120 ngày. Khi thu hoạch, củ trạch tả được đào lên, cắt phần lá, rửa sạch. Lấy cót quây tròn, dùng diêm sinh để hun đến khi củ chín mềm, rồi đem phơi hoặc sấy khô. 

Việc tiêu thụ củ trạch tả cũng rất dễ dàng, thương lái nhận thu mua toàn bộ sản lượng. Trung bình mỗi ha trạch tả cho doanh thu 120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí và công lao động thu lãi từ 60-70 triệu đồng. Trạch tả được gieo trồng ở xã Khánh Thủy từ rất lâu, dần được người dân địa phương đem vào gieo trồng đại trà trong vụ đông vì cho hiệu quả kinh tế cao, tận dụng được đất ruộng sau sản xuất vụ mùa hàng năm.

Bên cạnh cây trạch tả, nhiều loại cây dược liệu khác cũng được người dân xã Khánh Thủy thử nghiệm như nghệ đỏ, bạch chỉ. Các giống cây này phù hợp với đất vườn nên được nhiều hộ dân lựa chọn và mở rộng diện tích gieo trồng. Gia đình ông Bùi Văn Toán tận dụng gần 1 sào đất vườn để trồng bạch chỉ. 

Ông Toán cho biết: Tôi bắt đầu gieo giống bạch chỉ từ tháng 11/2018, cây sẽ cho thu hoạch vào khoảng tháng 6, tháng 7 năm nay. Bạch chỉ cũng là giống cây dược liệu lấy củ, quy trình sơ chế gần tương tự với trạch tả. Nhưng do thời gian sinh trưởng dài ngày nên thường được trồng trên đất vườn để tiện chăm sóc, cũng như đảm bảo diện tích gieo cấy lúa trong năm. Hiệu quả kinh tế của cây bạch chỉ bằng một nửa so với trạch tả, trung bình mỗi sào bạch chỉ cho lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng. Tuy vậy, con số này vẫn là khá cao so với nhiều giống cây trồng trên đất vườn khác.

Phát triển kinh tế từ nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân luôn là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng ủy, UBND xã Khánh Thủy đặc biệt quan tâm. Đồng chí Tạ Đức Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thủy cho biết: Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương rất phù hợp để gieo trồng các giống cây dược liệu. 

Với ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao, trồng cây dược liệu đã trở thành giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Để khuyến khích mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, xã Khánh Thủy đã quy hoạch 2 vùng trồng cây trạch tả tập trung tại xóm 3 và xóm 8, tổng diện tích gần 80 ha, với 120 hộ tham gia. 

Cùng với đó, chỉ đạo HTX, đội sản xuất tiến hành rà soát điều kiện đất đai thổ nhưỡng, từng bước mở rộng diện tích và quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, đưa thêm một số loại cây dược liệu khác như bạch chỉ, nghệ vàng, nghệ đỏ, ngưu tất... vào trồng trong vụ đông. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng cây dược liệu tại xã Khánh Thủy là hơn 150ha, giá trị kinh tế đạt bình quân trên 100 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của địa phương chính là việc tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, chưa có sự liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm dẫn đến các hộ chưa dám mạnh dạn đầu tư sản xuất; việc tiêu thụ sản phẩm dược liệu đều qua các thương lái, tuy nhu cầu thu mua lớn song giá cả lên xuống thất thường. 

Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm cây dược liệu, mới đây HTX cây dược liệu Khánh Thủy đã được thành lập với mong muốn đưa thương hiệu cây dược liệu Khánh Thủy trở thành địa chỉ tin cậy, nâng cao thu nhập cho các thành viên và hộ trồng dược liệu tại địa phương. 

Bên cạnh việc hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn các hộ cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đúng cách, đúng thời điểm, HTX sẽ là đầu mối bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giải quyết nỗi lo về “đầu ra” cho sản phẩm dược liệu của địa phương. Đồng thời quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường nhằm phát huy giá trị cây dược liệu.

Trong thời gian tới, xã Khánh Thủy có kế hoạch phát triển vùng trồng cây dược liệu, nhằm phát huy tiềm năng, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: