Khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi tắt là chương trình NTM), Ninh Bình là tỉnh có điểm xuất phát tương đối thấp. Năm 2011, chỉ có 1 xã đạt trên 10 tiêu chí, còn lại bình quân toàn tỉnh mới đạt 4,8 tiêu chí/xã. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao là 12%...
Với điều kiện tự nhiên của tỉnh là địa hình khá phức tạp, có cả vùng đồi núi, vùng đồng bằng trũng trung tâm và vùng đồng bằng, bãi bồi ven biển; dân cư không tập trung; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như: điện, đường, trường học, trạm xá ở nhiều địa phương, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và bãi ngang, vùng phân lũ, chậm lũ còn lạc hậu, chưa đồng bộ; hệ thống giao thông, thủy lợi phân bố rộng... là những khó khăn, trở ngại lớn cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trong khi đó, yêu cầu các tiêu chí nông thôn mới cao, có nhiều tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng đòi hỏi cần nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi đó nguồn lực ngân sách có hạn. Về chủ quan, nhận thức của một bộ phận người dân và ngay cả một số cán bộ cơ sở còn hạn chế, ban đầu không ít người coi chương trình NTM như là một dự án, nên khi thực hiện còn lúng túng, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Đứng trước những khó khăn khi thực hiện chương trình NTM, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã cùng vào cuộc. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm; ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp, phát huy và khai thác được sức mạnh của toàn xã hội, cũng như lợi thế của địa phương để triển khai thực hiện chương trình NTM. ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.
Các sở, ban, ngành, nhất là Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức triển khai thực hiện chương trình, đồng thời chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương về xây dựng nông thôn mới.
Các huyện, thành ủy và UBND các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn các xã tổ chức triển khai thực hiện chương trình NTM. Đi đôi với công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình NTM, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn thể nhân dân.
Công tác thông tin tuyên truyền đã có sự phối hợp đồng bộ, bằng nhiều hình thức để giới thiệu, quán triệt các nội dung về chương trình NTM. Trong đó tập trung nhấn mạnh vấn đề người dân có vai trò rất quan trọng, là chủ thể thực hiện và hưởng lợi ích trực tiếp từ chương trình NTM. Từ đó xác định ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có sự chuyển biến sâu sắc và được nâng lên. Người dân phấn khởi, tin tưởng, tích cực, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở của các địa phương trong tỉnh còn chủ động phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện dân biết, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, tạo được sự đồng thuận từ tổ chức Đảng, chính quyền đến người dân.
Đặc biệt, chủ trương lấy ý kiến hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới được thực hiện ở khắp các địa phương làm cho vai trò, vị trí của người dân được nâng lên. Cấp ủy, chính quyền cũng có trách nhiệm hơn đối với việc thực hiện chương trình NTM. Nhờ vậy, những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương dần được khắc phục. Nguồn lực trong dân được phát huy và khơi dậy.
Trong gần 10 năm qua, nhân dân đã đầu tư và đóng góp 9.818 tỷ đồng, chiếm 30% tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Đã xuất hiện rất nhiều những tấm gương cán bộ, đảng viên và người dân đóng góp tiền của, công sức… để xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó là phong trào hiến đất, hiến kế, góp công, góp vật liệu làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm được đẩy mạnh. Người dân đã loại bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ của Nhà nước, đồng thuận với cấp ủy, chính quyền, cùng nhau đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi chung của làng, xã, phấn đấu đạt được các tiêu chí nông thôn mới.
Có kết cấu hạ tầng khang trang, thuận tiện, nhiều người còn huy động và bỏ vốn đầu tư, từng bước phát triển kinh tế gia đình theo khả năng của mình để vươn lên thoát nghèo, bằng cách chủ động xây dựng mô hình sản xuất trang trại, gia trại phù hợp, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất hàng hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt hơn nữa là ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, đường làng, ngõ xóm sáng, xanh, sạch đẹp được đẩy mạnh. Đã có nhiều mô hình đường hoa phụ nữ, thanh niên, phụ lão ở các xã đã về đích nông thôn mới thể hiện cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tế ở từng địa phương.
Có thể nói, ở tỉnh ta, qua 10 năm thực hiện chương trình NTM, do biết khơi dậy và phát huy nguồn lực trong dân nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng và cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị đã tạo ra một phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa lớn mà từ trước tới nay chưa chương trình nào có được.
Tuy kết quả đạt được ở mỗi địa phương có khác nhau, nhưng về cơ bản chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu của chương trình NTM giai đoạn 2011-2020 đó là: sản xuất phát triển; đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao; cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội ở khu vực nông thôn từng bước được hoàn thiện, phù hợp, theo hướng hiện đại; chất lượng giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ; vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn được cải thiện rõ rệt; bản sắc văn hoá được giữ gìn và phát triển; trình độ dân trí, dân chủ ở nông thôn được tăng cường; hệ thống chính trị ở cơ sở được quan tâm củng cố xây dựng; quốc phòng, an ninh ổn định và giữ vững.
Nhiều xã nông thôn mới ở Ninh Bình hiện nay đã trở thành vùng quê đáng sống, tương đối văn minh, hiện đại. Tính đến hết tháng 9/2019, toàn tỉnh có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Hoa Lư, Yên Khánh và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 91/119 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt chuẩn 17,9 tiêu chí/xã, không còn xã đạt chuẩn dưới 10 tiêu chí….
Dự kiến đến hết năm 2019, sẽ có thêm 10 xã về đích nông thôn mới và 3 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Gia Viễn phấn đấu hết năm 2019 hoàn thành toàn bộ các tiêu chí trình Thủ tướng Chính phủ công nhận trong năm 2020.… Đây là những kết quả tích cực đáng ghi nhận và tự hào.
Từ những ngày đầu không ít người còn chưa hiểu nông thôn mới là gì? Cách làm ra sao? Bắt đầu như thế nào? Nguồn lực ở đâu?... đến nay, nông thôn mới đã hiện hữu ngay tại chính quê hương mình. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào thi đua sâu rộng với khí thế mạnh mẽ ở khắp các địa phương, đơn vị trong tỉnh.
Nông thôn một số nơi bắt đầu khởi sắc, hình hài xã nông thôn mới đang từng bước khẳng định rõ nét, kinh tế nông nghiệp, nông thôn ổn định và phát triển đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chương trình NTM thực sự là luồng gió đổi mới cho sự phát triển toàn diện về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh Ninh Bình
Tuy vậy, thực hiện chương trình NTM ở tỉnh ta trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế, đó là: Nhận thức của một bộ phận người dân và ngay cả một số cán bộ về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ. Việc khắc phục các kiến nghị của đoàn thẩm tra, thẩm định và thực hiện các cam kết của địa phương chưa được kịp thời. Việc tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu còn chậm và chưa đồng đều ở một số xã, thôn, xóm.
Thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế nên việc phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân còn nhiều khó khăn. Tích tụ ruộng đất thấp, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung quy mô lớn, công nghệ sau thu hoạch, chế biến nông sản, xúc tiến thương mại còn ở mức độ nhất định. Công tác vệ sinh môi trường, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tuy đã được cải thiện, xong có mặt chưa thật sự vững chắc, an ninh trật tự nông thôn còn tiềm ẩn các nguy cơ gây mất ổn định…
“Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng mang tính chiến lược lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước”. Do đó, thực hiện chương trình NTM, đòi hỏi sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Thực tế ở các địa phương đã về đích nông thôn mới cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền biết phát huy và khơi dậy nguồn lực sức dân, tạo ra sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, nơi đó sẽ thành công. Trong thời gian tới, nhiệm vụ thực hiện chương trình NTM vẫn đang được tiếp tục triển khai ở các địa phương trong điều kiện, bối cảnh mới.
Đối với các xã chưa về đích, cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để sớm được công nhận.Những xã đã được công nhận xã nông thôn mới một mặt duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí, đồng thời có kế hoạch xây dựng và phát triển thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Các xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu lại càng phải phát huy hơn nữa để thực sự là xã kiểu mẫu, xứng đáng là ngọn cờ đầu của cả tỉnh, trở thành hình mẫu, là niềm tự hào của quê hương Ninh Bình.
Trên bước đường phát triển tiếp theo, nhiệm vụ của tất cả các xã, (kể cả xã chưa về đích và xã đã về đích) đều rất nặng nề và nhiều khó khăn, song, nếu biết khơi dậy nguồn lực trong dân để xây dựng nông thôn mới; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả xây dựng nông thôn mới như cách làm trong những năm qua, nhất định chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Ninh Bình chắc chắn sẽ sớm trở thành tỉnh nông thôn mới.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: