Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Kim Sơn chủ động phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi vụ thu - đông

Thứ Hai, 10/12/2018

Thời điểm giao mùa thu - đông nên thời tiết có nhiều thay đổi bất thường, vì vậy huyện Kim Sơn đã chủ động trong công tác phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, công tác tiêm phòng vắc-xin đợt 2 vụ thu đông 2018 tại địa phương đã hoàn thành.

Theo số liệu tổng hợp từ các xã, thị trấn, huyện Kim Sơn có tổng đàn gia cầm là gần 400 nghìn con, đàn gia súc có trên 50 nghìn con. Đồng chí Đinh Văn Liêu, Trạm trưởng Trạm chăn nuôi và Thú y huyện Kim Sơn cho biết: Nhiều năm trở lại đây, do chủ động thực hiện tốt công tác phòng ngừa nên tình hình dịch bệnh ở địa bàn huyện được kiểm soát tốt, sức khỏe đàn vật nuôi ổn định ở mức cao. Tuy nhiên, thời điểm thời tiết đang giao mùa nên các loại vi khuẩn, vi rút có điều kiện thuận lợi phát triển làm gia tăng nguy cơ gây bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Xác định việc tiêm phòng vắc-xin và khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi là biện pháp tích cực, có hiệu quả cao trong phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền đến từng thôn, hộ chăn nuôi để người dân nắm được thời gian, địa điểm, vắc-xin tiêm phòng cho từng loại vật nuôi; thành lập các tổ tiêm phòng ở các địa phương nhằm đảm bảo chuyên môn, tiến độ tiêm phòng theo kế hoạch đề ra. 

Trạm đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo các địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng ở các hộ chăn nuôi. Nhờ làm tốt công tác tổ chức nên tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm luôn đạt mức cao. 

Đến nay, huyện Kim Sơn đã hoàn thành kế hoạch tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 vụ thu-đông năm 2018; hơn 300 lít thuốc tiêu độc khử trùng đã được cấp phát cho các hộ chăn nuôi sử dụng.

Có mặt tại xã Đồng Hướng, chúng tôi ghi nhận công tác tiêm phòng vắc-xin đợt 2 năm 2018 đang được triển khai đồng loạt, đạt hiệu quả. Ông Lâm Đình Phú, Trưởng thú y xã Đồng Hướng cho biết: Tại địa bàn xã có đàn gia cầm lớn với khoảng 27 nghìn con. 

Vừa qua, gần 12 nghìn con vịt đã được cán bộ thú y xã triển khai tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh H5N6 một cách triệt để; đồng thời giám sát chặt chẽ các hộ dân tự tiêm phòng cho đàn gà, ngan, ngỗng. Đối với đàn gia súc, xã đã tiếp nhận 1.500 liều vắc-xin dịch tả lợn để tổ chức tiêm phòng ngừa. Gia đình anh Trần Văn Huấn, xóm 3, xã Đồng Hướng có trang trại lợn với quy mô gần 400 con. 

Anh Huấn cho biết, vừa qua, toàn bộ số lợn đã được tiêm phòng đầy đủ. Tôi thường xuyên gặp gỡ cán bộ thú y xã để nắm bắt tình hình và cập nhật kiến thức phòng chống dịch bệnh, thêm vào đó là theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng. 

Thời điểm giao mùa này, gia đình anh tăng cường các biện pháp phòng dịch như tiêm vắc-xin, rắc vôi bột xung quanh khu vực chuồng trại và phun thuốc tiêu độc khử trùng. Việc dọn vệ sinh chuồng trại chăn nuôi được thực hiện hàng ngày, còn phun thuốc khử trùng mỗi tháng 2 lần.

Để công tác phòng, trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả, lực lượng cán bộ thú y của các xã, thị trấn đóng vai trò rất quan trọng, vừa làm công tác tuyên truyền, lại vừa trực tiếp tiêm phòng. Ông Lê Văn Thắng, Trưởng thú y xã Thượng Kiệm cho biết: Để bám sát địa bàn, nắm rõ tình hình cơ sở, tôi thường xuyên đến tận các hộ chăn nuôi để thống kê, rà soát số lượng đàn vật nuôi cũng như thông báo tình hình diễn biến dịch bệnh để kịp thời hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ cho các hộ dân. 

Trước đây, vẫn còn tình trạng một số hộ dân lơ là, không tuân thủ nghiêm việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Song nhờ kiên trì, vận động kết hợp với giải thích, dẫn chứng về nguy cơ, tác hại mà dịch bệnh có thể gây ra, giờ đây nhận thức của người dân đã được nâng cao rõ rệt. Các hộ dân còn chủ động tìm đến để hỏi về thời gian, kế hoạch tiêm phòng.

Đồng chí Trạm trưởng Trạm chăn nuôi và Thú y huyện Kim Sơn cho biết thêm: Để việc chăn nuôi đạt hiệu quả, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác thú y, Trạm cũng phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn hộ chăn nuôi cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng trại; lựa chọn con giống có chất lượng; chú trọng chăm sóc, nuôi dưỡng để đảm bảo sức khỏe, sự phát triển tốt nhất cho đàn vật nuôi. 

Theo đó, về chuồng trại, cần che chắn kín gió khi cần thiết, phát quang bụi rậm xung quanh, khơi thông cống rãnh, tránh ẩm ướt, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh. Đối với lợn con và gà con, vào mùa đông phải có chuồng úm hoặc quây úm, bên trên có treo bóng đèn để cung cấp nhiệt độ phù hợp; cần chọn mua con giống phù hợp với điều kiện chăn nuôi gia đình, nên chăn nuôi theo quy trình khép kín; cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu hóa, đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi của con vật nuôi.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: