Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Kim Sơn khẩn trương gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn giãn cách

Thứ Năm, 02/09/2021

Ngày 26/8, huyện Kim Sơn ghi nhận ca bệnh dương tính SARS-CoV-2 tại cộng đồng. Ngay sau đó, các biện pháp phòng, chống dịch được siết chặt, huyện thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15,16 của Thủ tướng Chính phủ. Việc này nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với nông nghiệp của địa phương khi vừa phải đảm bảo sản xuất, vừa lo tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.

Kim Sơn khẩn trương gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn giãn cách

Nhiều HTX ở Kim Sơn đưa cơ giới hóa vào khâu phun thuốc BVTV, đảm bảo tập trung, nhanh, gọn, hiệu quả.

Hiện tại, 7.700 ha lúa mùa của huyện Kim Sơn đang ở giai đoạn phân hóa đòng, đến trỗ bông. Nhìn chung, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn sâu bệnh phát sinh và gây hại với mật độ cao, diện rộng. 

Qua kiểm tra đồng ruộng, ngành chuyên môn xác định: Hầu hết các trà lúa trên địa bàn đã ghi nhận sự xuất hiện của sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn, chuột hại. Đặc biệt, nhiều nơi có mật độ sâu bệnh khá cao như các HTX: Cộng Thành, Hợp Thành, Chính Tâm, Tân Khẩn, Cồn Thoi, Bắc Lộc… Các đối tượng sâu bệnh này cần được tập trung phun trừ trong cuối tháng 8, đầu tháng 9 này nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến  sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Để triển khai tốt việc phòng trừ sâu bệnh trên lúa mùa trong bối cảnh địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16, Phòng đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các xã, thị trấn, HTX tổng hợp, báo cáo tình hình sâu bệnh, diện tích phải phòng trừ… để lên phương án hỗ trợ. 

Trong đó, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời, đúng chủng loại các thuốc bảo vệ thực vật cần thiết. Đối với 3 địa phương có khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là xã Cồn Thoi, xã Kim Mỹ và thị trấn Bình Minh, quá trình thực hiện cấp giấy đi đường cho các hộ dân đi mua thuốc, phun thuốc bảo vệ thực vật gặp nhiều khó khăn, lúng túng. 

Do vậy, huyện đã kịp thời có văn bản yêu cầu 3 địa phương này chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp, Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Bình Minh ứng kinh phí mua thuốc và tổ chức phòng trừ tập trung cho 100% diện tích lúa mùa của những hộ dân trong khu vực cách ly y tế. 

Thời gian phun từ ngày 30/8 đến 3/9. Yêu cầu những người thực hiện nhiệm vụ ra đồng phun thuốc phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đeo khẩu trang, không tập trung quá 2 người, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.

Bên cạnh sản xuất lúa, hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn cũng rất phát triển, đặc biệt là nuôi thủy sản mặn lợ, với diện tích lên tới hàng nghìn ha. Dịch bệnh xảy ra, phải thực hiện giãn cách "ai ở đâu ở đó" nhiều hộ nuôi trồng thủy sản không khỏi lo lắng về nguồn cung thức ăn, thuốc thú y thủy sản cũng như đầu ra của sản phẩm. 

Ông Phạm Văn Kiệm, Giám đốc HTX thủy sản Kim Trung chia sẻ: May mắn là thời điểm này không phải là chính vụ thu hoạch hải sản của bà con nên cũng không tạo ra áp lực lớn trong việc tiêu thụ. Toàn HTX chỉ còn khoảng gần 100 hộ, mỗi hộ có 1-5 tạ tôm, cua cần phải thu hoạch. Tuy vậy, mấy ngày trở lại đây, việc mua bán đã có dấu hiệu chững lại, giá giảm, do vận chuyển gặp khó khăn. Cụ thể: giá tôm loại 100 con/kg còn 60-70 nghìn đồng/kg, tôm cỡ 50 con/1kg là 100 nghìn đồng/kg.

Ngoài việc giá thủy hải sản thương phẩm giảm thì hiện nay giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cũng đang nhích lên, đặc biệt, giá cám đã tăng 1-2 nghìn đồng/1kg so với thời điểm trước giãn cách. Lo lắng, nhiều hộ dân đã chọn cách cho tôm, cua ăn cầm chừng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng sau này.

Đại diện một đại lý thức ăn và thuốc thú y thủy sản tại xã Kim Đông cho biết: Hiện nay lượng thuốc thú y thủy sản dự trữ tại cửa hàng vẫn còn đủ để cung ứng trong 2 tháng nữa. Tuy nhiên với mặt hàng cám thì gia đình không thể dự trữ nhiều được, hết đến đâu gọi đến đấy. 

Trong bối cảnh dịch bệnh, vận chuyển khó khăn, chi phí test COVID-19 khiến giá bị đẩy lên ít nhiều và có thời điểm lượng hàng bị "ngót". Tuy nhiên về cơ bản vẫn đảm bảo không bị đứt gãy nguồn cung. Cửa hàng chúng tôi vẫn được chính quyền địa phương tạo điều kiện, cho phép mở cửa bán hàng phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con.

Để thực hiện mục tiêu kiểm soát tốt COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ  tướng Chính phủ, nhằm đảm bảo duy trì tốt chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, huyện Kim Sơn đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nông dân và doanh nghiệp để ổn định sản xuất, khuyến khích bà con nông dân sản xuất rải vụ, sản xuất theo nhu cầu của thị trường; cập nhật thông tin giá cả thị trường và các khuyến cáo giải pháp kỹ thuật để đảm bảo sản xuất. 

Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các xã, thị trấn thể hiện phương châm "gần dân, sát cơ sở" để kịp thời tháo gỡ những khó khăn xảy ra trong quá trình sản xuất nông nghiệp của các huyện. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các cá nhân, đơn vị trong khâu vận chuyển mua bán và tiêu thụ nông sản, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về phòng, chống COVID-19. 

Có thể thấy rằng, hoạt động sản xuất không thể thực sự trơn tru trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, với sự chủ động trong việc duy trì chuỗi sản xuất như những gì đã và đang làm, các khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của huyện Kim Sơn sẽ sớm được giải quyết ổn thỏa, không rơi vào trạng thái bị động.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: