Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Lúa mùa bội thu, nông dân phấn khởi

Thứ Sáu, 15/10/2021

Sau vụ lúa đông xuân thắng lợi lớn, nông dân Ninh Bình lại tiếp tục có thêm một vụ lúa mùa bội thu với năng suất trung bình ước đạt 54,22 tạ/ha, tăng nhẹ so với vụ mùa năm 2020. Điều đáng nói là giá lúa năm nay giữ ở mức cao nên nông dân phấn khởi.

Lúa mùa bội thu, nông dân phấn khởi

Nông dân xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư thu hoạch lúa mùa.

Tại cánh đồng thôn Phú Gia, xã Ninh Khang (huyện Hoa Lư) thời điểm này bà con nông dân đang hối hả thu hoạch lúa. Những bông lúa chín vàng trĩu hạt là minh chứng cho một vụ mùa bội thu. Ông Phan Văn Chi, một nông dân địa phương phấn khởi chia sẻ: "Nhờ được chăm sóc tốt và tuân thủ lịch thời vụ nên lúa năm nay được mùa, bông dài, hạt chắc, rất ít sâu bệnh, chuột hại. Với 1 mẫu lúa, dự kiến gia đình tôi sẽ thu về khoảng hơn 2 tấn thóc. Vui mừng hơn cả là giá lúa đang ở mức khá (từ 65-70 nghìn đồng/yến). Như vậy công sức bỏ ra trong gần 4 tháng cấy cày, chăm sóc coi như đã được đền đáp xứng đáng".

Chủ một máy gặt tại đây cho biết: "Vụ này tôi đi gặt thuê được gần chục ha rồi nhưng chưa thấy diện tích nào năng suất dưới 1,5 tạ/sào cả, đa phần đều trên dưới 2 tạ/sào". Cũng theo chủ máy gặt này, những ngày gần đây, trời liên tục có mưa lớn nên việc thu hoạch gặp khó khăn. Cứ ngớt mưa là bà con lại tranh thủ ra đồng để thu hoạch chứ không đợi nắng hẳn với phương châm lúa chín đến đâu thu hoạch đến đó, "xanh nhà hơn già đồng".

Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoa Lư thông tin: Vụ mùa năm 2021, toàn huyện gieo cấy trên 2.400 ha lúa. Trong đó, diện tích lúa chất lượng cao chiếm gần 70%. Bà con nông dân tích cực chọn các giống lúa năng suất, chất lượng cao, đồng thời đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã tạo ra hiệu ứng tích cực, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Tuy chưa có thống kê, đánh giá năng suất đầy đủ nhưng dự kiến vụ mùa năm nay nông dân Hoa Lư sẽ tiếp tục thắng lớn.

Không riêng Hoa Lư, tại huyện Nho Quan, địa bàn còn nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nông dân cũng rất phấn khởi vì năng suất lúa vụ này đạt khá cao. Ông Trần Văn Dưỡng, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nho Quan đánh giá: Nhìn chung, vụ mùa 2021 diễn ra trong điều kiện tương đối thuận lợi, mưa rải đều đã đảm bảo cung cấp nguồn nước cho sản xuất, cùng với sự chăm sóc tích cực của bà con nông dân tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Mật độ sâu bệnh, chuột hại trên cây trồng thấp hơn so với cùng kỳ. Hiện tại, nhiều địa phương trong huyện đã hoàn thành việc thu hoạch, năng suất lúa trung bình dự kiến đạt 48,2 tạ/ha (tăng 0,39 tạ/ha so với vụ mùa năm 2020). 

Tại huyện Yên Khánh - vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh, đến thời điểm này nông dân đã cơ bản thu hoạch xong 7.700 ha lúa mùa, năng suất ước đạt 66,8 tạ/ha, cao hơn vụ trước là 1,8 tạ/ha. Cùng với sự gia tăng về năng suất, việc tập trung vào gieo cấy các giống lúa thuần, lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng an toàn, hữu cơ còn giúp bà con nông dân Yên Khánh tiêu thụ lúa thuận lợi hơn với giá bán cao, nhờ vậy mà thu nhập cũng được cải thiện đáng kể.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ mùa năm nay toàn tỉnh sản xuất trên 31.800 ha lúa. Nhìn chung lúa được mùa, được giá, các chi phí sản xuất tiếp tục giảm... Phân tích về nguyên nhân lúa được mùa, ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho rằng: Lúa được mùa trước tiên là do thời tiết vụ này khá thuận lợi. Kế đến là do những năm gần đây, các xã, HTX, bà con nông dân đã chú trọng đưa nhiều giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Ngoài ra còn một yếu tố rất quan trọng, đó là sự thay đổi trong nhận thức của người dân. Việc sử dụng các loại giống lúa tự sản xuất đã được loại bỏ gần như hoàn toàn. ý thức về việc gieo cấy đúng khung thời vụ và tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc cũng được cải thiện. Việc sử dụng phân bón đơn dần được thay thế bằng các loại phân bón tổng hợp, phân bón hữu cơ với hàm lượng dinh dưỡng cân đối, phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng, nhờ vậy sâu bệnh hại lúa ở vụ mùa đã được hạn chế đáng kể. Bên cạnh đó, hiệu quả từ chương trình dồn điền đổi thửa tại các địa phương đã góp phần cải tạo đồng bộ hệ thống kênh mương, quá trình cấp nước, tiêu úng thuận lợi, hạn chế thiệt hại bởi những trận mưa lớn trong quá trình sản xuất vụ mùa. Các cánh đồng mẫu lớn được tạo ra nhờ dồn ghép các thửa ruộng, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Nhiều diện tích lúa mùa được áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến một phần hoặc toàn phần, qua đó giảm rất nhiều công chăm sóc, chi phí sản xuất... Đặc biệt, việc dự báo sâu bệnh hại được đội ngũ cán bộ bảo vệ thực vật, khuyến nông bám sát nên không có diện tích nào bị hại nặng, ảnh hưởng đến năng suất.

Ở thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 20.500/31.800ha lúa mùa, năng suất ước khoảng 54,22 tạ/ha (tăng nhẹ so với vụ mùa năm 2020). Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang đôn đốc bà con nông dân tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thu hoạch để hạn chế thiệt hại do mưa úng và giải phóng đất gieo trồng cây vụ đông, tiếp tục theo dõi và phòng trừ kịp thời rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân lúa 2 chấm trên trà lúa mùa muộn.

Theo baoninhbinh.org.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: