Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Một nhà giáo, Nông dân xã nông thôn mới vươn lên từ nghèo khó

Thứ Năm, 15/09/2022

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” cùng với các phong trào khác do địa phương phát động. Thầy giáo Nguyễn Văn Sóc, sinh năm 1966, ngụ ấp Đông Hòa, xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh không ngại khó, vươn lên làm tròn trách nhiệm “Vì học sinh thân yêu” và sản xuất giỏi, cuộc sống gia đình từ khó khăn nay ổn định, có nhiều đóng góp cho xã nông thôn mới.

Sinh ra trong một gia đình lao động thuần nông ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, để thuận lợi trong việc học hành, một thời gian sau đó ông Nguyễn Văn Sóc về ở với ông bà Ngoại ấp Đông Định, xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh. Con đường lập nghiệp của ông Nguyễn Văn Sóc từ chính quê hương thứ hai này.

Lập gia đình, với hai bàn tay trắng, vợ không nghề nghiệp, không đất sản xuất, cuộc sống gia đình dựa vào đồng lương giáo viên của ông Nguyễn Văn Sóc. Thấy cuộc sống bấp bênh, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Sóc tiết kiệm trong chi tiêu, phấn đấu dành dụm một số tiền để thuê đất sản xuất, nhờ xuất thân từ nhà nông nên việc sản xuất gặp thuận lợi, ông mua được 2.000 mét vuông đất vườn, lên liếp trồng xoài và cam xoàn. Ông tham gia hội viên Hội Nông dân vào năm 2017, được Hội tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ mời tham gia nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng về khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Cùng với sự tìm tòi tham khảo qua sách, báo, mạng internet, học hỏi trong thực tế, ông Nguyễn Văn Sóc tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng dụng vào quá trình sản xuất của mình nên năng suất cây trồng tăng hàng năm.

Ngoài giờ lên lớp, ông về nhà chăm sóc miếng vườn của mình, tối soạn giáo án để hôm sau lên lớp truyền đạt kiến thức cho học sinh. Năm 2019, khi địa phương thành lập Đông Tân Hội quán, ông đăng ký tham gia. Tại mỗi lần sinh hoạt ông đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm từ các nhà khoa học, chuyên gia về áp dụng cho vườn nhà. Trong quá trình sản xuất, ông tuân thủ kỹ thuật sản xuất từ các chuyên gia hướng dẫn, ghi chép sổ sách rõ ràng, so sánh từng mùa vụ, để có hướng khắc phục hạn chế, thiếu sót. Đặc biệt ở người nông dân này là tích cực vận động các hội viên nông dân, thành viên Đông Tân Hội quán tham gia các mô hình sản xuất liên kết, nhất là mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ thông qua hợp đồng. Khuyến khích các thành viên Hội quán áp dụng công nghệ thông tin nhằm chia sẻ thông tin giá cả thị trường, kỹ thuật sản xuất và thành lập nhóm Zalo, có 32 thành viên tham gia. Nhờ đó mà sản lượng tăng hàng năm. Nếu như năm 2016 thu hoạch được 3,5 tấn cam xoàn/2.000 mét vuông thì năm 2017 tăng lên 10 tấn/2.000 mét vuông. Riêng mùa vụ năm 2021, đợt I đã thu hoạch  được 5 tấn cam xoàn. Sau nhiều năm tích góp, ông Nguyễn Văn Sóc đã mua thêm 4.000 mét vuông đất ở huyện Chợ mới, tỉnh An Giang, trồng xoài Tượng da xanh, với 352 gốc. Cũng nhờ kinh nghiệm mà cam xoàn vườn nhà có quanh năm. Trừ các chi phí tổng thu nhập vừa cam, vừa xoài hàng năm gần 200 triệu đồng.

Có thể nói, trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Sóc luôn nỗ lực thi đua sản xuất, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng, đóng góp cho sự phát triển của xã nông thôn mới Tân Thuận Đông. Trong đó, hàng năm gia đình ông đã hướng dẫn giúp đỡ ít nhất 23 lao động, trong đó 10 hộ khó khăn; tạo việc làm được 19 lao động/năm thường xuyên, với mức thu nhập từ 4.500.000 – 5.000.000đ/ tháng. Điều đáng quý ở ông Nguyễn Văn Sóc không chỉ là tinh thần vượt khó vươn lên mà còn là sự sẻ chia với tất cả mọi người về những kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Giúp đỡ 02 hộ cận nghèo thiếu vốn về vốn sản xuất mỗi hộ 25.000.000đ; Hướng dẫn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho 45 lao động. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông tích cực tham gia đóng góp số tiền 17.000.000 đồng/năm và nhiều ngày công lao động; đóng góp an sinh xã hội cho địa phương 5.000.000 đồng/năm, trong sản xuất luôn đảm bảo môi trường, tạo môi trường sản xuất thông thoáng, được Hội nông dân xã, thành phố Cao Lãnh đánh giá cao. Nhiều năm liền gia đình được công nhận gia đình văn hóa, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Bản thân ông hàng năm đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, được đồng nghiệp khen ngợi, học trò yêu mến.

Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên, ông Nguyễn Văn Sóc xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương và câu chuyện vượt khó của ông là động lực để các hộ nông dân không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng một cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu từ chính quê hương của mình./.

PHƯƠNG NGA

(Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: