Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Ngành Ngân hàng Ninh Bình: Đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư, 06/11/2019

Trong 10 năm qua, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã chung vai, góp sức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Cùng với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn tín dụng Ngân hàng đã đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Ninh Bình cho biết: Triển khai các chủ trương của Đảng và Nhà nước, chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM…, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành trong việc triển khai các cơ chế, chính sách và phối hợp, tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chủ động triển khai các cơ chế, chính sách của NHNN Trung ương về tín dụng đối với lĩnh vực tam nông, như quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (hiện nay tối đa là 6,5%/năm); chỉ đạo các tổ chức tín dụng từng bước cải cách, tiết giảm thủ tục vay vốn cho phù hợp đặc thù sản xuất nông nghiệp và trình độ của người dân khu vực nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân…

Hệ thống Ngân hàng Ninh Bình đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và một số tổ chức chính trị - xã hội khác để đưa vốn đến tận người dân một cách hiệu quả nhất, giúp hàng trăm nghìn hộ nông dân khu vực nông thôn và các đối tượng khách hàng khác được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo và làm giàu, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi, cơ cấu mùa vụ, tạo điều kiện cải tiến và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống, dần đẩy lùi cho vay nặng lãi và đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn.

Từ năm 2011 đến ngày 30/6/2019, tổng doanh số cho vay xây dựng NTM của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 107.816 tỷ đồng. Dư nợ đến 30/6/2019 là 15.746 tỷ đồng (trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn là 6.518 tỷ đồng, trung dài hạn là 9.227 tỷ đồng), tăng 24,9% so với cuối năm 2011, chiếm 20,3%/tổng dư nợ cho vay chung đối với nền kinh tế của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Số khách hàng còn dư nợ là 136 doanh nghiệp, 116.366 hộ dân.

Trong quá trình cho vay phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, những khoản vay khó khăn trong việc trả nợ do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh…) được các tổ chức tín dụng xem xét áp dụng các chính sách hỗ trợ (cho vay mới, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ…).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN Việt Nam, trong những năm qua ngành Ngân hàng Ninh Bình đã thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình tín dụng nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/NĐ-CP (nay là Nghị định số 55 và Nghị định 116); cho vay theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg, nay là Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; chương trình cho vay thí điểm trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 14 của Chính phủ; chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chương trình cho vay bình ổn thị trường...

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng Ninh Bình đã tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội đã giúp cho các địa phương có thêm nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần cải thiện đời sống cho người dân, nhất là người dân sinh sống tại khu vực nông thôn. Giai đoạn từ tháng 1/2011 đến 30/6/2019, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ 481 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là 443 tỷ đồng (trang thiết bị y tế 15,7 tỷ đồng; xây dựng các cơ sở y tế 52,4 tỷ đồng; xây dựng trường học 333 tỷ đồng; xây dựng nhà văn hóa 26 tỷ đồng; xây nhà tình nghĩa và ủng hộ khác 15,9 tỷ đồng). Từ tháng 1/2015, NHNN tỉnh nhận phụng dưỡng 1 Mẹ Việt Nam anh hùng hiện đang sinh sống tại xã Phú Lộc (huyện Nho Quan).

Hoạt động của hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo chuyển biến mới trong nông nghiệp, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng lên, an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo, các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa, an ninh trật tự được cải thiện…

Theo baoninhbinh.org.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: