Trong ngôi nhà kiên cố, khang trang được tích cóp xây dựng được từ nguồn thu chăn nuôi lợn nái và lợn đực giống nhiều năm mang lại, anh Đào Xuân Trường, xóm 5, xã Mai Sơn (Yên Mô) bùi ngùi chia sẻ: Gia đình tôi đang nuôi hơn 30 con lợn choai và 2 con lợn đực, 4 con lợn nái và hàng chục lợn con theo mẹ. Vài ngày trước, trong đàn có 3 con lợn bị chết, anh nghi ngờ lợn đã “dính” dịch tả lợn châu Phi nên báo chính quyền xã lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến anh phải tiêu hủy toàn bộ số lợn đang nuôi trong chuồng.
Sơ bộ tính toán, 4 con lợn nái, mỗi con hơn 300kg, trên 1,2 tấn; 2 con lợn đực giống, mỗi con trên 200kg, hàng ngày đi phối giống cho nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn trong và ngoài xã; gần 30 con lợn choai, mỗi con trên dưới chục kg, vào gần 3 tạ lợn hơi, rồi còn hàng chục lợn con theo mẹ... Thiệt hại ban đầu ước tính cả trăm triệu đồng. “Xót xa quá, 2 con lợn nái chỉ vài ba ngày nữa là đẻ thôi. Những con lợn nái này đều nặng trên 300kg, được gây nuôi từ lâu lắm rồi, đến nay đã gắn bó với gia đình 6-7 năm nay, đều là giống chuẩn, mắn đẻ, sữa nhiều và chăm con tốt. Chúng chính là nguồn thu nhập giúp các con tôi được học đại học, gia đình tôi xây được nhà kiên cố như hôm nay... Giờ phải tiêu hủy, tôi xót xa và tiếc nuối vô cùng, biết bao giờ mới gây lại được những con lợn đực giống và lợn nái như thế này...” – vợ anh Trường rơm rớm nước mắt cho biết.
Cùng cảnh ngộ với gia đình anh Trường là gia đình ông Nguyễn Văn Sức, xóm 5 Bình Khang, xã Khánh Thượng (Yên Mô). Gia đình ông Sức chăn nuôi theo quy mô gia trại với 45 con lợn (gồm 3 lợn nái, 31 lợn thịt, 11 lợn con theo mẹ). Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, đàn lợn nhà ông Sức chết rải rác và sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi của Cục Thú y vùng I, gia đình ông Sức đã phải tiêu hủy đàn lợn với tổng trọng lượng 1.498kg.
Ông Sức buồn rầu cho hay: “Ngay khi thấy lợn bị ốm với các triệu chứng sốt, bỏ ăn, xuất huyết ngoài da, dử mắt đỏ màu máu cá, tôi nhanh chóng báo lên chính quyền địa phương để họ lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy đàn lợn của gia đình đều dương tính với virut tả lợn châu Phi. Khi Tổ tiêu hủy lợn dịch của xã mang số lợn đi tiêu hủy, tôi tiếc của lắm, nhất là nhìn cảnh chuồng trại trống trơn mà buồn không tả xiết.
Công sức bao nhiêu năm gây nái, bao nhiêu tháng nuôi đàn, giờ chả còn lại gì. Thiệt hại biết bao nhiêu tiền của, công sức, buồn lắm, gia đình chả ai thiết ăn uống, làm được việc gì... Tôi mong dịch bệnh qua nhanh để người chăn nuôi chúng tôi yên ổn gây lại đàn, tiếp tục chăn nuôi, bởi bao nhiêu năm nay chỉ biết và gắn bó với mỗi nghề nuôi lợn...”.
Đối với những hộ chăn nuôi bị mắc dịch phải tiêu hủy hết đàn lợn thì vậy, còn những hộ chăn nuôi may mắn hơn khi đàn lợn chưa bị lây dịch cũng lâm vào tình trạng “dở khóc, dở cười”, vì lợn đến ngày xuất chuồng mà không bán được hoặc trả giá quá thấp, không đủ chi phí bỏ ra đầu tư, cuộc sống của họ như ngồi trên đống lửa.
Bà Trần Thị H., một hộ chăn nuôi xã Khánh Thượng (Yên Mô) chán nản cho biết, mặc dù lợn nhà bà không bị dịch, kết quả xét nghiệm cho thấy âm tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi nhưng việc xuất chuồng những con lợn đã đến lứa gặp rất nhiều khó khăn. “Hiện giờ, chục con lợn đến lứa không xuất bán được, gia đình phải duy trì bằng việc giảm bữa ăn, cầm chừng cân nặng để giảm chi phí đầu tư.
Đồng thời, gia đình tăng cường các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập của dịch, khu chuồng trại và phía ngoài đều được vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rắc vôi, phun thuốc tiêu độc khử trùng; đặc biệt, việc theo dõi tình hình sức khỏe, các triệu chứng của đàn lợn được thực hiện, giám sát chặt chẽ... Tôi mong dịch qua nhanh để có thể bán được lứa lợn này và tiếp tục đầu tư chăn nuôi để ổn định cuộc sống.” – bà H. cho hay.
Hiện toàn tỉnh đã có hàng chục hộ gia đình phải tiêu hủy do lợn mắc dịch tả lợn châu Phi. Người chăn nuôi xót xa, lo lắng và đang “oằn mình” chống dịch. Tình hình dịch hiện vẫn diễn biến phức tạp với nhiều hộ tại các xã đã có dịch và những xã khác tiếp tục báo số lợn ốm, với các triệu chứng như sốt, bỏ ăn, xuất huyết ngoài da... đều là những triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Các địa phương dù xảy ra dịch hay chưa đều khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng chống và dập dịch nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch ra diện rộng. Theo đó, khi lợn mắc dịch tả lợn châu Phi, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức lực lượng tiêu hủy ngay những con lợn chết; hướng dẫn hộ chăn nuôi tiếp tục chăm sóc, điều trị và theo dõi đàn lợn; thực hiện nuôi nhốt lợn tại chuồng trại, không được bán chạy, giết mổ, vứt xác chết ra môi trường; thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi hàng ngày; thường xuyên báo cáo tình hình đàn lợn với nhân viên thú y xã hoặc chính quyền xã.
Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch, phân công rõ trách nhiệm, địa bàn phụ trách cho từng thành viên. Cùng với đó thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, chốt cố định trên các trục đường chính các xã, hạn chế người không có nhiệm vụ ra - vào ổ dịch...
Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương, đơn vị liên quan đang “căng mình” tập trung phòng chống. Trong đó, chú trọng việc khoanh vùng để dập ngay khi phát hiện ổ bệnh, tránh để lây lan ra diện rộng; tuyên truyền để người dân nắm rõ về tình hình bệnh dịch, chủ động khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi; vận động, yêu cầu người dân ký cam kết khi thấy lợn có biểu hiện ốm, chết phải báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định; tuyệt đối không giấu dịch, tham gia buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn nhiễm bệnh; yêu cầu người hành nghề thú y thực hiện đúng quy định về vệ sinh thú y, thực hiện nghiêm túc việc sát trùng dụng cụ hành nghề, quần áo, găng tay... trước và sau mỗi lần thăm khám, điều trị lợn ốm.
Tăng cường kiểm tra việc lưu thông, buôn bán gia súc, gia cầm, nhất là các cơ sở giết mổ lợn trong thời gian từ 2-5 giờ hàng ngày. Đồng thời, các trường hợp tiêu hủy lợn phải có sự chứng kiến và hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ, chuyên viên các cơ quan chuyên môn...
Theo Baoninhbinh.org.vn
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: