Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Người dân- chủ thể trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Bảy, 17/09/2022

Trao đổi với phóng viên Báo Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: "Xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm không ngừng nâng cao đời sống cho nông dân. Vì vậy, người nông dân và cộng đồng dân cư giữ vai trò là chủ thể, nòng cốt trong xây dựng NTM".

Đường giao thông liên thôn xã Yên Từ (Yên Mô).

Phóng viên (P.V): Có thể khẳng định, người dân đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện phong trào xây dựng NTM. Theo đồng chí điều này được thể hiện như thế nào? 

Đ/c Nguyễn Thị Lan Anh: Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, cùng với sự chung sức, đồng lòng của toàn dân trong tỉnh, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã đạt được kết quả quan trọng. Phong trào đã lan tỏa với khí thế mạnh mẽ, tạo hiệu ứng rõ rệt; nhiều vùng quê đã trở thành "những miền quê đáng sống"; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện, hộ nghèo giảm mạnh, tỷ lệ hộ khá và giàu ngày càng tăng. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố và nâng cao. 

Tính đến hết tháng 8/2022 tỉnh Ninh Bình đã có 7/8 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 100% số xã (119 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, có 17/119 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 275 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. 

Với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ" các cấp chính quyền khi triển khai phong trào xây dựng NTM đã huy động được sức mạnh lớn lao từ nhân dân không chỉ về của cải vật chất mà quan trọng hơn đó là nguồn lực tinh thần, sự quyết tâm và khơi dậy ý chí vươn lên của mỗi người dân trong cộng đồng làng xã. Trong đó phải kể đến đầu tiên là nguồn lực vật chất. 

Đến nay tổng huy động nguồn lực toàn xã hội cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay khoảng trên 49.400 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn từ người dân và cộng đồng đóng góp và tham gia chiếm khoảng 26% (trong đó nhân dân đã hiến gần 1.200 ha đất, trên 413.000 ngày công tham gia xây dựng NTM). 

Bên cạnh đó, quá trình xây dựng NTM rất nhiều nội dung công việc Nhà nước và nhân dân cùng làm như Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân đóng góp vật liệu, ngày công, hiến đất… để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn… Có những công việc thuộc trách nhiệm của chính người dân và cộng đồng địa phương như xây dựng cảnh quan nông thôn, xây dựng hương ước, quy ước, xây dựng nếp sống văn minh… Đây là những việc mà chính người dân phải làm và cũng chính người dân là người được hưởng lợi đầu tiên từ những kết quả của công việc đó, lúc này vai trò chủ thể của người dân được thể hiện rõ nhất. 

Âu Kim Đài (Kim Sơn) mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng. 

P.V: Để phát huy được vai trò của nhân dân, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã làm gì để khơi dậy nguồn lực trong nhân dân thưa đồng chí? 

Đ/c Nguyễn Thị Lan Anh: Trong phong trào xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền giữ vai trò đề ra chủ trương, chính sách, dẫn dắt. Với vai trò quan trọng đó, thời gian qua tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho người nông dân và tổ chức, doanh nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện kinh tế, thu nhập cho người dân, từ đó tạo nền tảng vững chắc trong công cuộc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo. 

Thực tế cho thấy mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng NTM đều hướng đến người dân nông thôn như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm); cơ sở vật chất văn hóa (người dân được tuyên truyền, được hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm…) góp phần thay đổi tư duy, nhận thức, phướng thức sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Những cơ chế chính sách của Nhà nước không chỉ mang tính chất hỗ trợ mà còn nhằm khơi dậy nội lực, tinh thần để người dân nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM. 

Quá trình thực hiện, người dân được tuyên truyền cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách của Nhà nước, những nội dung ở cơ sở cần triển khai thực hiện, sau đó người dân được dân chủ, công khai bàn bạc đề xuất, quyết định những nội dung ưu tiên cần triển khai thực hiện, đặc biệt là những nhiệm vụ của chính người dân, những nội dung người dân cần phải huy động đóng góp trên tinh thần dân chủ, tự nguyện, công khai mức đóng góp phù hợp với khả năng của từng người, từng gia đình; người dân có thể tự làm, tự thực hiện, tự kiểm tra, giám sát và quan trọng nhất là người dân được trực tiếp hưởng lợi. 

P.V: Xin đồng chí cho biết trong giai đoạn tiếp theo, chúng ta cần làm gì để thực hiện mục tiêu "tam nông" đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa?

Đ/c Nguyễn Thị Lan Anh: Giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 cả nước tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với các quy định, tiêu chí đòi hỏi mức độ nâng cao và kiểu mẫu trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cũng gắn với thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững. 

Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần nâng cao hơn nữa vai trò dẫn dắt, định hướng thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn để người dân thực hiện. Đồng thời, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần nêu cao vai trò của người đứng đầu; phải coi nhiệm vụ xây dựng NTM là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm thực hiện thường xuyên và liên tục. 

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn; nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua xây dựng NTM bằng việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, phù hợp với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó chú trọng phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, giữ vững an ninh trật tự ở nông thôn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị và tình hình thực tiễn của từng địa phương trên địa bàn tỉnh. 

Các cấp ủy, chính quyền vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết tâm hơn nhằm huy động được sự vào cuộc của mọi người dân; khơi dậy các tiềm năng, nguồn lực của toàn xã hội để triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM một cách hiệu quả, thiết thực, bền vững. Tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia đóng góp tự nguyện để xây dựng NTM đảm bảo theo phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". 

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí ! 

Nguồn: Minh Đường/baoninhbinh.org.vn

https://baoninhbinh.org.vn/nguoi-dan-chu-the-trong-xay-dung-nong-thon-moi/d20220916083318223.htm

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: