Là huyện miền núi, địa hình phức tạp, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế nhưng người nông dân ở đây bao năm chưa tìm ra được “con đường thoát nghèo” bền vững. Đến năm 2011, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước đã thổi một luồng gió mới, tiếp sức cho phát triển nông nghiệp, nông thôn Nho Quan. Đảng bộ, chính quyền đã kịp thời có những quyết sách thực sự đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để phá thế độc canh cây lúa, biến khó khăn thành lợi thế, khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Nho Quan xác định không tập trung vào chuyên canh một loại cây, mà tiến hành trồng nhiều loại cây để phát huy được lợi thế vùng miền.
Do đó, định hướng của Nho Quan sẽ hình thành 3 vùng kinh tế, trong đó vùng cao, vùng bán sơn địa phát triển trồng trọt với cây trồng chính là cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, rau, củ, quả an toàn, cây lấy gỗ...; chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại với các vật nuôi chủ lực như trâu, bò, lợn, dê, gà và các con nuôi đặc sản như ong, lợn rừng, hươu. Vùng chiêm trũng phát triển trồng lúa; nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi thủy cầm.
Thông qua phong trào xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, phục vụ sản xuất được mở mang tới tận thôn, xóm đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng NTM đã giúp huyện Nho Quan và các xã quy hoạch lại các vùng sản xuất, tạo sự liên kết vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đưa khoa học ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Một số xã đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa như vùng chuyên canh cây công nghiệp (sắn, mía, dứa) ở xã Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương; vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như trồng khoai sọ Yên Quang, nuôi thủy sản ở xã Thượng Hòa, Sơn Thành, Thanh Lạc, Phú Lộc, Văn Phú...
Trên tinh thần đó, huyện Nho Quan đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Hiện nay, Nho Quan đang tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi, áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, gắn sản xuất với tiêu thụ và từng bước xây dựng nhãn hiệu nông sản.
Có thể kể đến một số mô hình điển hình như: mô hình lúa gieo thẳng tại xã Thạch Bình; mô hình nuôi bò đực giống lai sind tại xã Thạch Bình, Xích Thổ, Phú Lộc…; sử dụng dê đực giống lai Boer để phát triển đàn dê theo hướng thịt tại xã Văn Phú, mô hình nuôi thỏ ở Gia Tường; mô hình gà Dabaco tại xã Xích Thổ và các mô hình chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Một số địa phương đã khẳng định được thương hiệu con nuôi đặc sản như xã Đồng Phong với mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học (chủ yếu là gà lai Đông Tảo). Với sự góp mặt của 12 tổ viên, trung bình mỗi hộ nuôi từ 1.000-3.000 con/lứa; trang trại chăn nuôi gà đẻ siêu trứng của ông Bùi Văn Quế, xã Gia Lâm với quy mô 4 vạn con...; các mô hình nuôi trồng thủy sản, mô hình cải tạo vườn tạp, cơ cấu lại cây trồng theo hướng phát huy lợi thế của từng loại cây trồng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng.
Chủ trương tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp thuê để sản xuất được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả tốt. Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và Công ty TNHH Sữa dê Ninh Bình khảo sát quỹ đất, lập dự án sản xuất sữa dê chất lượng cao trên địa bàn huyện, trong đó đã khảo sát xong các vị trí để thực hiện 4 dự án với tổng diện tích khoảng 210ha, gồm: Dự án trang trại nuôi dê tại khu vực Thung Mai, thuộc xã Phú Sơn, Thạch Bình, Gia Tường, Lạc Vân, diện tích khoảng 85ha. Dự án nhà máy chế biến sữa tại xã Lạc Vân, diện tích khoảng 6,5ha. Dự án xây dựng cụm 3 nhà máy tại xã Lạc Vân và Lạng Phong, tổng diện tích khoảng 68,5ha gồm: Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (khoảng 10ha): Nhà máy chế biến thịt dê đóng hộp (khoảng 24ha); Nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng từ con dê, khu nuôi khảo nghiệm con giống và khảo nghiệm thức ăn (khoảng 34,5ha); bến thuyền. Dự án Nhà máy chế biến thức ăn thô và nhà máy chế biến phân vi sinh tại xã Thạch Bình và xã Gia Tường, diện tích khoảng 50ha.
Một số dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đi vào hoạt động như: Dự án Nhà máy may xuất khẩu BT tại thị trấn Nho Quan đã hoàn thành xây dựng nhà xưởng, dự kiến đi vào hoạt động trong quý III năm 2019. Nhà máy giầy Regis Việt Nam tại Cụm công nghiệp Văn Phong đã hoàn thành xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động từ tháng 6/2018, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Từ đó, góp phần gia tăng giá trị nông sản hàng hóa làm ra, hình thành và phát triển nhãn hiệu hàng hóa đặc trưng cho mỗi địa phương.
Thời gian qua, huyện triển khai thí điểm các mô hình ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ mới, nhằm giúp người nông dân tiếp cận với những cách thức canh tác tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, song song với đó huyện triển khai tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác, tập trung nâng cao năng lực cho các đối tác tham gia trong chuỗi liên kết như doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, trang trại và nông dân. Đồng thời tiếp tục củng cố 30 HTX, tổ hợp tác nông nghiệp (hoạt động theo Luật HTX năm 2012) và 73 trang trại, 813 gia trại.
Theo lãnh đạo UBND huyện, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tích cực chỉ đạo đa dạng hóa mô hình theo lợi thế của từng vùng, tập trung đẩy nhanh tiến độ dồn điền, đổi thửa để huy động các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn...
Đối với các xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2019, chủ động thực hiện các thủ tục liên quan, huy động mạnh mẽ sự tham gia của người dân, phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể được phân công chỉ đạo để triển khai theo đúng kế hoạch đề ra...
Theo Baoninhbinh.org.vn
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: