Thứ Hai, 29/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Như Hòa: Giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân

Thứ Năm, 22/11/2018

Sau khi hoàn thành 19/19 tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Như Hòa (huyện Kim Sơn) đã có những chuyển biến mạnh mẽ về diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Phát huy bài học kinh nghiệm về phát triển kinh tế trong xây dựng nông thôn mới, cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục xác định, việc nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thu nhập bình quân đầu người của xã Như Hòa hiện đạt xấp xỉ 40 triệu đồng/người/năm. Tuy vậy, để củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, sẵn sàng nguồn lực chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Như Hòa đã và đang tập trung mọi nguồn lực, giải pháp nhằm nâng cao thu nhập bình quân đầu người của xã.

Ông Nguyễn Quốc ái, Chủ tịch UBND xã Như Hòa cho biết: Như Hòa là xã thuần nông, vì vậy, địa phương xác định mũi nhọn trong phát triển kinh tế là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Xã đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của địa phương, chuyển mục tiêu sản xuất từ sản lượng sang chất lượng, đạt giá trị gia tăng cao và bền vững. 

Quan tâm đến tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; đầu tư và nâng cấp hạ tầng nông nghiệp, nông thôn để đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Những năm qua, xã Như Hòa đã tập trung, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tập trung làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến nông dân gắn với thực hiện có hiệu quả các mô hình thí điểm. Nhờ vậy hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương có bước phát triển mạnh; cơ cấu cây trồng và mùa vụ chuyển dịch nhanh.

Trong lĩnh vực trồng trọt, các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao được hình thành. Trong tổng diện tích hơn 300ha đất trồng lúa, diện tích lúa chất lượng cao chiếm khoảng 70% mỗi vụ. Nhờ tập trung chỉ đạo, các giống lúa đặc sản được mở rộng diện tích sản xuất, điển hình là giống lúa nếp hạt cau với gần 100ha. Vụ mùa 2018 này, gia đình ông Trần Văn Hải, xóm 6 xã Như Hòa cấy gần 1 mẫu ruộng bằng giống lúa nếp hạt cau. 

Ông Hải cho biết: Gia đình đã cấy giống lúa này từ rất lâu. Ưu điểm của giống lúa này là khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, dễ chăm sóc. So với các giống lúa chất lượng cao khác như tám xoan, dự, nếp cái, lúa nếp hạt cau cho năng suất cao hơn. 

Hiện nay, gia đình tôi đã thu hoạch gần xong, năng suất lúa đạt gần 1,8 tạ/sào. Trên thị trường, giá lúa nếp hạt cau là 25.000 đồng/kg, gấp khoảng 2 lần các giống lúa chất lượng cao khác. Việc tiêu thụ cũng rất dễ dàng, các lái buôn đã “đặt hàng” ngay từ đầu vụ, vì vậy chỉ cần thông báo là có xe về tận nhà chở thóc đi.

Ngoài trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản của xã Như Hòa đang phát triển mạnh theo mô hình kinh tế gia trại, trang trại. Những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hoặc xen canh lúa-cá. Trên địa bàn xã Như Hòa hiện có khoảng 15 gia trại, 3 trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Văn Mâu tại xóm 7 xã Như Hòa thu về hàng trăm triệu đồng nhờ kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. 

Ông Mâu cho biết, gia đình tôi có 3 mẫu ao nuôi cá trắm đen, bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2016. Vừa ương bán cá giống, vừa nuôi cá thịt, mỗi năm gia đình cung cấp khoảng 3 tấn cá cho thị trường. Ngoài nuôi thủy sản, gia đình còn nuôi trâu, bò với số lượng khoảng 30 con.

Đồng chí Chủ tịch UBND xã Như Hòa cũng cho biết thêm: Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xã tập trung phát triển các ngành nghề sản xuất như chế biến cói, bèo xuất khẩu và khuyến khích phát triển nghề mộc cổ. Toàn xã hiện có trên 100 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho gần 2.000 lao động địa phương, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: