Có người gọi họ là “bao đồng”, có người bảo “ăn cơm nhà, làm chuyện thiên hạ” nhưng để xóm, làng sạch, đẹp những lão nông này không ngại ngần làm việc nhặt rác trên những tuyến đường, tuyến kênh, góp phần xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM.
Vài năm nay, ông Hai Cường (Hồ Chí Cường) cần cẫm tự chống xuồng đi nhặt rác thải trên kênh, rạch ở ấp 1 (xã Bình Chánh, Bình Chánh).
Ông Hồ Chí Cường (phải, ấp 1, xã Bình Chánh, Bình Chánh. TP.HCM) hằng ngày đi nhặt rác trên các tuyến kênh góp sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trần Đáng
Ông Hai Cường chia sẻ, trước đây dọc các tuyến kênh trên địa bàn tràn ngập rác thải với chai nhựa, túi ni lông, hộp xốp... Thấy cảnh quan, môi trường sống quá ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân trong khu dân cư, ông đã vận động một số bà con trong ấp đi thu gom rác.
Như thường lệ, mỗi ngày tranh thủ lúc rảnh rỗi, ông Hai Cường chống xuồng đi dọc theo các tuyến rạch Ông Đồ, rạch Ngọn Đình… để vớt rác nhằm khơi thông dòng chảy trên các tuyến rạch này.
Tôi đơn giản chỉ nghĩ nhặt rác để giữ con kênh xanh, sạch, cho môi trường được tốt", ông Hai Cường bộc bạch.
Vừa vớt rác, ông Hai Cường vừa kêu gọi bà con sống trên địa bàn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chung tay dọn dẹp rác để có thêm nhiều tuyến đường, tuyến kênh, rạch xanh - sạch - đẹp.
Không chỉ nhặt rác trên kênh, rạch, ông Hai Cường còn đi nhặt rác trên các tuyến đường, như: Huỳnh Văn Trí, Trịnh Như Khuê, Giao thông Hào, Bình Trường, tuyến đường Tổ 4 – 5… hiện những tuyến đường này dần trở nên xanh - sạch - đẹp.
Cũng như ông Hai Cường, tại ấp Trung Bình (xã Trung Lập Thượng, Củ Chi), mỗi buổi sáng ông Đỗ Tấn Tài tranh thủ vừa chạy thể dục và nhặt rác trên các tuyến đường.
Ông Lại Văn Đức (xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh) nhặt rác trên tuyến đường kênh A góp phần đưa xã này về đích Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trần Đáng
Cung đường ông Tài nhặt rác bắt đầu đi từ đầu đường chợ cũ ấp Trung Hòa (xã Trung Lập Hạ), đến ấp Vân Hàn (xã Trung Lập Thượng) dài hơn 6km. Trên đường chạy, hễ thấy vỏ chai nước dùng xong vứt trên đường, ông Tài nhặt cho vào túi ni lông mang theo bên người.
Theo ông Tài, ông có thói quen vừa tập thể dục vừa nhặt rác thải mấy năm nay. Xã Trung Lập Thượng đã được công nhận xã nông thôn mới. Ấp Trung Bình đang thực hiện cuộc vận động nếp sống văn minh. Mọi người dân đã cam kết không xả rác bừa bãi nơi công cộng. Tuy nhiên, rác thải ra môi trường trên địa bàn vẫn còn.
"Tôi muốn việc mình làm gây ý thức bảo vệ môi trường cho bà con", ông Tài chia sẻ.
Nhằm giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải trong nông nghiệp ở các xã đang xây dựng nông thôn mới, Sở NNPTNT TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch 1902.
Theo đó, trong giai đoạn 2022-2025, về lĩnh vực trồng trọt sẽ giảm thiểu tối thiểu 15% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa.
Với lĩnh vực bảo vệ thực vật, giảm tối thiểu 20% vật liệu nhựa; thu gom phân loại được tối thiểu 80%, và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa. Về lĩnh vực chăn nuôi, giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa, thu gom phân loại được tối thiểu 80%, và tái sử dụng được tối thiểu 25% chất thải nhựa.
Người dân thu nhặt rác ở nông thôn TP.HCM góp sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trần Đáng
Về lĩnh vực thủy sản, nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại, tái sử dụng, xử lý rác thải nhựa từ các hoạt động sản xuất thủy sản, như: Từ 50% trở lên cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ, lẻ và từ 70% tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thu gom, phân loại rác thải nhựa tại cơ sở trước khi chuyển đến các đơn vị có chức năng xử lý...
Theo Ban Chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, sẽ tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn, vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, tập trung phát triển các mô hình hẻm, tổ xanh, sạch, đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn.
Trần Đáng (Dân Việt)
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: