Thứ Hai, 29/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Ninh Bình: Tiêm phòng cho vật nuôi vẫn còn nhiều khó khăn

Thứ Hai, 03/12/2018

Để hạn chế dịch bệnh, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình phối hợp với các địa phương triển khai quyết liệt công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên thực tế việc triển khai công tác tiêm phòng trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo kế hoạch, mỗi năm, tỉnh sẽ tổ chức tiêm phòng vắc xin định kỳ 2 vụ: Xuân - Hè và Thu - Đông. Mặc dù ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền song do nhận thức về vấn đề dịch bệnh và công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm của một số hộ chăn nuôi chưa cao, chưa có ý thức tự giác trong công tác phòng chống dịch bệnh, chỉ khi có dịch bệnh hoặc khi có nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nơi khác vào địa bàn mới thực hiện tiêm phòng. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo tiêm phòng ở một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm, chưa chỉ đạo quyết liệt.

Đơn cử như trong vụ Xuân - Hè năm 2018, toàn tỉnh tiêm vắc xin Dịch tả lợn được trên 139.000 liều chỉ đạt 86,52% kế hoạch; vắc xin Lở mồm long móng tiêm được 28.345 liều đạt 87,08% và 28.872 liều Vắc xin Dại chó. Nhìn chung công tác tiêm phòng còn chậm, tỷ lệ tiêm phòng chưa đạt so với kế hoạch đã đề ra, đặc biệt công tác tiêm phòng vắc xin dại trên đàn chó còn thấp so với tổng đàn chó trên địa bàn.

    Vừa qua, trên địa bàn huyện Yên Mô đã phát sinh 2 ổ dịch cúm gia cầm type A/H5N6 tại xã Khánh Thượng và Yên Nhân, phải tiêu hủy 1.377 con gia cầm. Do phát hiện sớm, tổ chức bao vây, dập dịch kịp thời, thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm trên địa bàn các xã có dịch và các xã giáp ranh, xã có ổ dịch cũ nên đã khống chế dập tắt dịch, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Một trong những nguyên nhân khiến dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại là do một số địa phương lơ là trong chỉ đạo công tác tiêm phòng và người dân chưa tiêm phòng dịch cho đàn vật nuôi. Điều này dẫn đến tình trạng một số bệnh nguy hiểm vẫn lưu trú gây khó khăn cho ngành thú y trong công tác kiểm soát dịch bệnh.

Thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục cao độ tiêm phòng vắc xin vụ Thu Đông cho gia súc, gia cầm. Đến ngày 28/11, toàn tỉnh đã có 5/8 đơn vị tổ chức tiêm phòng xong, còn 3 đơn vị chưa hoàn thành là huyện Gia Viễn, huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình.

Để nâng cao kết quả công tác tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về công tác tiêm phòng và lợi ích của tiêm phòng trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh, huyện, xã, đến tận thôn bản để người chăn nuôi được biết và tích cực, tự giác thực hiện.

Đồng thời thực hiện triệt để tiêm phòng theo phương pháp cuốn chiếu; các đội tiêm xong từng điểm tiêm phải đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm và xử lý kịp thời các trường hợp không chấp hành tiêm phòng xong mới được chuyển sang điểm tiêm khác; nếu kết quả chưa đạt chỉ tiêu phải tổ chức tiêm phòng lại.

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương, bà con nông dân cần quan tâm chú trọng hơn nữa tiêm phòng vắc xin định kỳ cho gia súc, gia cầm nhằm hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi.

 Theo nbtv.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: