Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Nuôi ngao vùng bãi triều: Kỳ 1- Mưu sinh từ ngao

Thứ Sáu, 23/04/2021

Kim Sơn - mảnh đất gắn với lịch sử của những cuộc quai đê lấn biển, cải tạo đất hoang bồi. Tiếp nối truyền thống chinh phục biển cả của cha ông, ngày nay, không chỉ đơn thuần khai thác các nguồn lợi hải sản tự nhiên từ biển để sinh sống, người dân ven biển huyện Kim Sơn đã nhạy bén làm giàu nhờ phát triển nghề nuôi trồng hải sản. Trong đó, nuôi ngao vùng bãi bồi được ví là nghề nuôi "vàng trắng".

Nuôi ngao vùng bãi triều: Kỳ 1- Mưu sinh từ ngao

Vùng ven biển huyện Kim Sơn có hơn 300 hộ sống liên quan đến con ngao.

Kỳ 1: Mưu sinh từ ngao

3 giờ sáng một ngày đầu hè năm 2021, chúng tôi theo một chiếc thuyền chuyên đi thu hoạch ngao thuê của anh Nguyễn Văn Việt (xóm 7, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn) lên đường ra bãi ngao. 

Trên thuyền có tới gần 30 người, những người đàn ông ở một khoang riêng uống nước chè, còn 4-5 người phụ nữ ở khoang bếp phụ trách việc cơm nước. Tôi nhanh chóng nhập cuộc, cùng nhặt rau, sắp cơm với các chị. Câu chuyện về cuộc sống mưu sinh, về gia đình, con cái khiến chúng tôi cảm thấy gần gũi như đã quen từ lâu. 

Sinh năm 1986, ít tuổi nhất nhưng chị Dung cũng đã có thâm niên 10 năm trong nghề thu ngao. Chị Dung chia sẻ: "Ngày đầu tiên theo chồng đi làm, say sóng, không ăn không uống được gì, người bé con con, nhìn thấy tội nghiệp, ai cũng bảo thôi nghỉ đi. Nhưng mình cứ cố gắng, rồi quen dần, được cái các công việc nặng nhọc như bốc hàng, mấy cánh đàn ông họ làm đỡ cho hết". 

Còn chị Nguyễn Thị Gấm, xóm 2, Kim Trung thì kể: Ngày trước hai vợ chồng đi thuyền chài nhưng tôm cá tự nhiên ít dần, thu nhập kém, từ khi có ngao thì chuyển sang làm ngao. Công việc này không có giờ giấc cố định, tất cả phụ thuộc vào con nước, hôm thì làm lúc chập tối, có ngày thì lại đi từ 2 giờ đêm. Mỗi buổi ngâm mình dưới nước 6-7 tiếng đồng hồ, khá vất vả nhưng được cái công việc đều, thu nhập khá, cả hai vợ chồng mỗi ngày cũng kiếm được 7-8 trăm nghìn, đủ tiền nuôi các con ăn học.

Gần 1 tiếng đồng hồ dập dềnh trên biển, chiếc thuyền của chúng tôi đã đến được điểm thu hoạch. Trong lúc đợi thủy chiều rút, mọi người tranh thủ ăn cơm. Sau đó, lúc anh Việt chỉ đạo anh em chuẩn bị xăng dầu, máy móc để bắt đầu công việc tôi mới có dịp hỏi chuyện, tìm hiểu thêm sâu hơn về cái nghề mà mọi người hay nói đùa là "người trần làm việc âm phủ" này. 

Anh Việt giải thích: Trước đây, chúng tôi thu ngao theo cách sủi cạn nhưng giờ thì chuyển sang đánh nước to, tức là thu hoạch lúc mực nước cao khoảng 1-1,5 m. Khi đó mình đâu có thể nhìn thấy ngao nên mới nói là người trần làm việc âm phủ. Với cách làm này thì thời gian thu hoạch dài, sản lượng đánh bắt cao hơn và con ngao ít bị ảnh hưởng, khỏe hơn. 

Thông thường, một tàu thu ngao sẽ có từ 4-6 giàn máy cào ngao, mỗi giàn máy sẽ cần 6 người điều khiển, đánh trong vòng 2,5 tiếng sẽ thu được từ 5-7 tấn ngao thương phẩm, tùy vào kích cỡ và mật độ ngao. Điều đáng mừng là năm nay ngao được mùa, được giá, nên anh em có việc làm thường xuyên. Đều đều tháng nào cũng làm 25-26 ngày, mỗi ngày thu hoạch khoảng 25-30 tấn ngao cho các chủ bãi.

Trời bắt đầu sáng rõ, bãi triều hiện ra trải dài mênh mông với hàng trăm chòi canh ngao cất cao lô nhô trên mặt nước rất đẹp mắt. Lúc này tôi mới thấy, ngoài thuyền của anh Việt còn có hàng chục thuyền khác cũng đang khai thác ngao ở vùng này. Những mẻ ngao đầu tiên đã chất đầy trên những mảng xốp được ngư dân kéo về đưa lên thuyền để phân loại và vận chuyển đến các điểm tập kết. Con ngao ở Kim Sơn ngoài tiêu thụ nội địa thì phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong lúc chờ đợi mọi người làm việc, chúng tôi ghé thăm chòi canh ngao của anh Nguyễn Văn Bình. Gió biển thổi dồn dập, tiếng máy nổ tàu thuyền, khiến chúng tôi phải nói thật to mới nghe rõ được tiếng nhau. 

Anh Bình cho biết: Tôi coi thuê ở đây đã 7 năm rồi. Công việc chủ yếu là hướng dẫn cho thuyền bè không chạy vào vùng nuôi tránh ảnh hưởng đến con ngao, khi nước rút thì kiểm tra xem chỗ nào mật độ ngao quá dầy thì xan bớt ra… Một mình một chòi, không ti vi cũng không có điện thoại thông minh, mưa gió, sấm chớp vẫn cứ nằm chòi, một năm về nhà có 5-7 lần. Vất vả là vậy nhưng con ngao đem lại miếng cơm, manh áo, là cần câu cơm để mưu sinh nên bà con ngư dân ai ai cũng yêu cũng gắn bó với con ngao, với biển cả. Chúng tôi làm ăn ở đây luôn coi nhau là anh em, người thân, mỗi khi trái gió trở trời đều giúp đỡ nhau rất nhiệt tình…"

Cũng theo anh Bình, trong các loài hải sản, ngao là loại sạch và bổ. Nó sống hoàn toàn bằng nguồn thức ăn tự nhiên, chủ yếu là phù du, tảo biển. Chỉ cần thay đổi môi trường, hay nguồn nước bị nhiễm bẩn thì nó sẽ chết.

Qua tìm hiểu của phóng viên chúng tôi, trung bình cứ 10 héc ta nuôi ngao cần 1 người trông và 10 người thu hoạch. Riêng vùng bãi triều từ đê Bình Minh III ra đến Cồn Nổi, phải có đến trên 300 hộ sống liên quan đến con ngao, hoặc làm thuê hoặc nuôi ngao. Thu nhập bình quân đối với người trông chòi từ 7 - 10 triệu/tháng, người cào ngao từ 3 - 5 trăm nghìn đồng/ 1 ngày công. Nhờ con ngao mà nhiều hộ có của ăn của để, có điều kiện để nuôi dạy con cái học hành. Ngao thực sự đem lại cho họ một cuộc sống mới, giàu có, khoáng đạt hơn.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: