Nông dân phấn khởi vì rau vụ động được mùa, được giá.
Cánh đồng Cống Dưa (thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh) những ngày này rặt một màu xanh mơn mởn của các loại rau vụ đông. Người mua, kẻ bán tấp nập, người nông dân phấn khởi vì ít năm nào rau vụ đông được giá như năm nay.
Anh Đinh Văn Dương (phố Thượng Đông) có 1 mẫu trồng rau. Thời điểm này, anh đang bán 6 nghìn đồng/1 củ su hào, 20 nghìn đồng/1kg hành hoa, 3 nghìn đồng/1kg cải cúc, 15 nghìn đồng/kg xà lách, 2,5 nghìn đồng/kg cải canh, cải thìa, cao hơn nhiều so với cùng thời điểm năm trước. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi từ 5-7 triệu đồng/sào.
"Thời tiết năm nay chuyển lạnh sớm, tạo điều kiện cho các loại rau như su hào, bắp cải, súp lơ… phát triển mạnh, có năng suất cao, chất lượng mẫu mã đẹp. Thương lái ưa chuộng, đưa xe đến tận vườn để thu mua. Từ giờ tới hết vụ đông mà giá vẫn giữ được thế này thì năm nay lại ăn tết to" - anh Dương chia sẻ.
Tại xã Khánh Hải (huyện Yên Khánh) nông dân cũng đang tất bật thu hoạch, chăm sóc rau màu, quay vòng không cho đất nghỉ. Anh Sơn, một nông dân xóm Hà Đông cho biết: Năm nay, đầu vụ mưa liên tục, bí xanh, cà chua phát triển kém, ít quả. Ngược lại, với các loại rau dưa, khoảng 1 tháng nay, thời tiết lạnh sớm nên sinh trưởng phát triển rất tốt. Cây nọ bù cây kia, cộng thêm với giá các loại rau đều đang ở mức khá nên bà con vẫn có lãi.
Theo nhiều hộ nông dân, vụ đông năm nay, đầu vụ thời tiết thuận lợi, mưa lớn kéo dài nên nhiều diện tích rau màu bị thiệt hại. Hầu hết các rau vụ đông cực sớm và sớm phải trồng lại từ 2-3 lần. Đặc biệt với bí xanh, bí đỏ, cà chua cây sinh trưởng phát triển chậm, ra hoa, đậu quả kém nên năng suất giảm, mẫu mã xấu hơn so với năm trước. Ngoài ra, hiện nay giá phân bón đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, giá cây giống, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng. Tuy nhiên, bù lại, rau được giá và tiêu thụ thuận lợi nên bà con vẫn phấn khởi, mỗi sào thu lãi từ 4-7 triệu đồng (tùy từng loại).
Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Khánh thông tin: Đến thời điểm này, toàn huyện đã trồng được 2.200 ha cây vụ đông trên diện tích kế hoạch là 2.500 ha. Trong đó, chủ yếu là ngô, bí xanh, cà chua, khoai tây, trạch tả và rau dưa các loại. Hiện giá rau đang cao nên nông dân phấn khởi. Đây là điều kiện thuận lợi để khuyến khích người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, đặc biệt là rau ưa lạnh để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Xác định phát triển theo hướng thực chất, hiệu quả với quy mô hợp lý, không chú trọng mở rộng diện tích mà gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, vụ đông 2021 này, Ninh Bình xây dựng kế hoạch gieo trồng trên 8.000 ha cây trồng các loại.
Trong đó, bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng giữa nhóm cây ưa ấm và nhóm cây ưa lạnh; nhóm cây phục vụ chế biến và nhóm cây thực phẩm, rau, củ, quả; để đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của tỉnh trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Tuy nhiên tính đến giữa tháng 11, tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông của toàn tỉnh mới được trên 5.138 ha (đạt 64% kế hoạch). Nguyên nhân là do giai đoạn đầu vụ mưa nhiều, rau màu bị ngập úng, chết phải gieo trồng lại.
Nhằm đạt mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, bên cạnh việc tập trung thu hoạch và tiêu thụ cây vụ đông sớm, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương hướng dẫn bà con tiếp tục mở rộng diện tích trồng nhóm rau, củ, quả ưa lạnh theo đúng khung thời vụ, cung ứng thị trường Tết.
Ngoài ra, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả trên đơn vị diện tích đất canh tác; nâng cao chất lượng và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Đồng thời, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tìm kiếm thị trường đầu ra cho nông sản.
Theo baoninhbinh.org.vn
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: