Thứ Hai, 29/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Sẵn sàng các điều kiện cho vụ sản xuất đông xuân

Thứ Sáu, 22/01/2021

Vụ đông xuân là vụ sản xuất chính và quan trọng trong năm bởi đây là vụ sản xuất có nhiều yếu tố thuận lợi và cho năng suất, sản lượng lúa cao nhất. Xác định điều đó, ngành Nông nghiệp, các địa phương và nông dân trong tỉnh đã và đang tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết phục vụ gieo cấy lúa đông xuân trong khung thời vụ tốt nhất.

Sẵn sàng các điều kiện cho vụ sản xuất đông xuân

Cán bộ thủy nông huyện Yên Khánh kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước vào đồng.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Cụm trưởng Cụm thủy nông Liễu Tường (huyện Yên Khánh) cho biết: Cụm thủy nông Liễu Tường phục vụ nước tưới cho hơn 2.500 ha lúa của 5 xã Khánh Mậu, Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Thành và Khánh Công thuộc huyện Yên Khánh. Để thuận lợi cho công tác lấy nước, ngay từ nhiều tháng trước, đơn vị đã tổ chức cho công nhân nạo vét, khơi thông các tuyến kênh tưới; sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống máy bơm. Trong đợt xả nước đầu tiên của các hồ thủy điện, chúng tôi bố trí anh em trực 24/24 giờ thường xuyên quan trắc mực nước, kiểm tra độ mặn, vớt các vật cản, tranh thủ tối đa thời gian lấy nước vào ruộng. Nhờ vậy, trong đợt 1 có hơn 80% diện tích đã lấy đủ nước, tạo điều kiện cho các xã tiến hành làm đất sớm, chuẩn bị gieo cấy vụ đông xuân trong khung thời vụ tốt nhất.

Thời điểm này, quan sát tại nhiều cánh đồng trên địa bàn tỉnh, nông dân đã xuống đồng vạc bờ, cuốc góc, tập kết phân bón, làm đất... chuẩn bị gieo cấy lúa xuân. Ông Nguyễn Văn Đào ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư cho biết: "Vụ này, gia đình tôi gieo cấy 5 sào lúa. Đến nay, toàn bộ diện tích đã làm đất xong, phân bón được chuẩn bị đủ, lúa giống cũng đã mua, chỉ chờ thời tiết thuận lợi là tiến hành gieo cấy".

Vụ đông xuân 2020-2021, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy khoảng 46 nghìn ha cây trồng các loại, trong đó cây lúa gần 39.500 ha. Năm nay, tiết đại hàn vào ngày 20/1/2021 (tức ngày 8 tháng Chạp), đây là giai đoạn dự báo có tần suất rét đậm, rét hại cao nhất trong năm; tiết lập xuân vào ngày 3/2 (ngày 22 tháng Chạp). Do vậy, ngành Nông nghiệp đã tính toán, xác định thời điểm gieo mạ tập trung của trà xuân muộn (chiếm 90% tổng diện tích gieo cấy) sẽ vào thời điểm cận Tết Nguyên đán (từ 25/1-5/2/2021) và cấy gọn trong tháng 2. Căn cứ kế hoạch trên, các huyện, thành phố trong tỉnh đã chủ động bố trí cơ cấu trà, giống, thời vụ phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết, chế độ nước của địa phương nhưng vẫn đảm bảo nằm trong khung thời vụ chung của tỉnh. Đồng thời, tổ chức thông tin, tuyên truyền đến bà con nông dân thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở và các khu dân cư; đôn đốc người dân xuống đồng vệ sinh đồng ruộng, huy động phương tiện làm đất và chuẩn bị điều kiện cần thiết cho gieo cấy lúa xuân; phối hợp với các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa, rau màu vụ xuân cho bà con. Các cấp hội nông dân, đại lý, HTX dịch vụ nông nghiệp chủ động liên kết với các đơn vị sản xuất, cung ứng thóc giống, vật tư phân bón bảo đảm chất lượng. 

Theo ngành Nông nghiệp, nhìn chung sản xuất vụ đông xuân năm nay khá thuận lợi, các vật tư nông nghiệp, giống, phân bón khá dồi dào, giá cả ổn định; đất được đổ ải, nguồn nước đảm bảo… Đến ngày 20/1, toàn tỉnh đã tiến hành làm đất lần 1 được trên 31.300 ha, đạt gần 80%; làm đất được cấy 1.650 ha, gieo mạ được 480,9 ha, đã cấy 95 ha. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp & PTNT khuyến cáo các địa phương cần tập trung cho công tác gieo cấy trà xuân sớm ở các vùng ngoài đê, chân ruộng trũng, đất thấp ven núi; theo dõi sát sao các đợt xả nước tiếp theo để tranh thủ đẩy nhanh tiến độ lấy nước, làm đất, gieo cấy; tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ mạ; đồng thời tập trung cao cho công tác đánh chuột, nhất là ở giai đoạn đổ nước làm ải. Bởi trên đồng ruộng lúc này ít cây trồng, chuột thiếu thức ăn và nơi trú ngụ thường tập trung lên các bờ, gò cao để tránh nước, rất dễ đánh.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: