Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Thể lệ cuộc thi Báo chí về đề tài Xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình năm 2023

Thứ Năm, 23/02/2023

Thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 8/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; Căn cứ Kế hoạch số 02/KH-HNB của Hội Nhà báo tỉnh về việc tổ chức Cuộc thi Báo chí về đề tài Xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình năm 2023, Ban Tổ chức Cuộc thi ban hành Thể lệ Cuộc thi, cụ thể như sau:

Diện mạo nông thôn mới xã Khánh Nhạc (Yên Khánh).

I. TÊN GỌI CUỘC THI

 Cuộc thi Báo chí về đề tài Xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình năm 2023 (gọi tắt là Cuộc thi) do Hội Nhà báo tỉnh Ninh Bình tổ chức để trao giải cho các tác phẩm báo chí xuất sắc tuyên truyền về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được đăng, phát trên các báo, đài địa phương và Trung ương với các loại hình báo chí (Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) do cơ quan có thẩm quyền cấp phép. 

II. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA 

- Góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh về vị trí, tầm quan trọng, quan điểm, mục tiêu, những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra nhằm phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực để tập trung hoàn thành mục tiêu xây dưng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Ninh Bình năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025. 

- Thúc đẩy hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí nhằm tuyên truyền, cổ vũ công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay trên địa bàn tỉnh. Biểu dương những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, những mô hình cần nhân rộng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. 

- Động viên, khuyến khích, tạo sự quan tâm của đông đảo những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp ở Ninh Bình hưởng ứng Cuộc thi báo chí về đề tài Xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình năm 2023; sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao để phản ánh được không khí chung tay xây dựng nông thôn, cung cấp cho độc giả một cái nhìn sinh động, toàn cảnh trên nhiều lĩnh vực, tại nhiều địa phương; phản ánh được không khí phấn khởi, quyết tâm vào cuộc với những bài viết sâu sắc, có ý nghĩa lan tỏa tích cực, rộng rãi, thể hiện được quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và các ngành, địa phương trong thực hiện Chương trình này, góp phần tạo nên những chuyển biến sâu sắc về nhận thức, khơi dậy tiềm năng, nỗ lực vượt qua khó khăn, cổ vũ mạnh mẽ các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, xã hội chung sức, đồng lòng trong công tác xây dựng nông thôn mới. 

III. NỘI DUNG CÁC TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI Các tác phẩm báo chí tham dự Cuộc thi bám sát các nội dung sau đây: 

1. Tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các văn bản, hướng dẫn của Trung ương và địa phương liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. 

2. Tuyên truyền mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, của các địa phương. Tuyên truyền về kết quả thực hiện các tiêu chí, tiến độ xây dựng nông thôn mới của tỉnh; việc triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; kết quả triển khai chương trình OCOP; phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. 

3. Phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, các điển hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới; phổ biến cách làm hay, mô hình hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới; phản ảnh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất của nhân dân trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nêu các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ, người dân và cộng đồng dân cư nông thôn nhằm phát huy tinh thần chủ động, tự nguyện, tự giác; phát huy nội lực, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. 

4. Đúc rút những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới; phân tích, đề xuất những giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh một cách thiết thực, hiệu quả, thực chất; góp phần để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Ninh Bình năm 2023 và giai đoạn 2021-2025. 

5. Phản ánh những khó khăn, bất cập; phê phán các đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt, chưa đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh trong quá trình xây dựng nông thôn mới. 

IV. ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN CÁC TÁC PHẨM DỰ THI 

1. Tác phẩm dự thi phải có nội dung bảo đảm tính chân thực, khách quan, chính xác; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo, có tác động tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình. 

2. Các thể loại và loại hình báo chí được xét trao giải: 

- Loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. 

- Thể loại: Bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, các chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu, sản phẩm truyền thông đa phương tiện, ảnh báo chí. 

3. Tác phẩm báo chí dự thi thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt, ngắn gọn, súc tích, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu. 

4. Không nhận các tác phẩm thơ, tranh, văn học - nghệ thuật mang tính hư cấu.

5. Mỗi tác phẩm báo in, báo điện tử không quá 5 kỳ, mỗi kỳ bài viết không quá 2.000 từ; mỗi tác phẩm phát thanh, truyền hình thời lượng không quá 15 phút (Tọa đàm không quá 35 phút; phim tài liệu, phóng sự chuyên đề không quá 2 kỳ, tổng thời lượng không quá 50 phút); tác phẩm ảnh đơn và phóng sự ảnh: từ 1 đến 8 ảnh; không chấp nhận dự thi tác phẩm ảnh đã được chỉnh sửa qua phần mềm làm thay đổi tính chân thực của ảnh. 

6. Các tác phẩm dự thi phải được đăng, phát trong thời gian từ ngày 1/1/2023 đến ngày 10/11/2023, trên các ấn phẩm, chương trình của cơ quan báo chí Trungương và địa phương (có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông). 

V. ĐỐI TƯỢNG DỰ THI 

1. Là công dân Việt Nam, có tác phẩm báo chí về đề tài xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình năm 2023 được đăng, phát trên các báo, đài địa phương, Trung ương với các loại hình báo chí (Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) do cơ quan có thẩm quyền cấp phép. 

2. Tác giả tham dự Cuộc thi không vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật. 

3. Thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Cuộc thi không được gửi tác phẩm tham gia dự thi. Không hạn chế số lượng tác phẩm dự thi của một tác giả, hoặc nhóm tác giả. Tác giả, nhóm tác giả dự thi nhiều tác phẩm nếu đạt giải sẽ nhận 01 giải thưởng cao nhất. Các tác phẩm báo chí đã đạt giải ở các Cuộc thi khác không được dự thi và xét giải ở Cuộc thi này. 

VI. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG 

Cơ cấu giải thưởng và mức thưởng đối với các tác phẩm báo chí đạt giải như sau: 

1. Báo in 

- 1 giải A: 5.000.000 đồng 

- 2 giải B: 4.000.000 đồng/giải 

- 2 giải C: 2.000.000 đồng/giải 

- 3 giải KK: 1.000.000 đồng/giải 

2. Truyền hình 

- 1 giải A: 8.000.000 đồng 

- 2 giải B: 5.000.000 đồng/giải 

- 2 giải C: 3.000.000 đồng/giải 

- 3 giải KK: 1.500.000 đồng/giải 

3. Phát thanh 

- 1 giải A: 5.000.000 đồng 

- 2 giải B: 4.000.000 đồng/giải 

- 2 giải C: 2.000.000 đồng/giải 

4. Báo Điện tử 

- 1 giải A: 5.000.000 đồng 

- 2 giải B: 4.000.000 đồng/giải 

- 2 giải C: 2.000.000 đồng/giải 

5. Ảnh báo chí: (dự thi ở 2 loại hình là báo in và báo điện tử, có thể là ảnh đơn hoặc phóng sự ảnh) 

- 1 giải A: 3.000.000 đồng 

- 2 giải B: 2.000.000 đồng/giải 

- 2 giải C: 1.000.000 đồng/giải 

- Ngoài ra, Ban Tổ chức có thể trao một số giải thưởng phụ khác.

- Giải thưởng gồm: Giấy chứng nhận và tiền thưởng cho tác phẩm đạt giải. 

VII. THỂ THỨC GỬI, ĐỊA CHỈ NHẬN TÁC PHẨM DỰ THI 

1. Các tác phẩm báo in dự thi cắt tác phẩm dán vào giấy khổ A3 hoặc A4, để lề rộng. 

2. Các tác phẩm báo điện tử: Copy tác phẩm và in trên giấy A4 (đề rõ đường link), có xác nhận của cơ quan báo chí sử dụng (ký, đóng dấu). 

3. Các tác phẩm phát thanh, truyền hình: tác giả gửi văn bản lời bình kèm theo đĩa CD hoặc VCD ghi hình (mỗi đĩa 1 tác phẩm). 

4. Các tác phẩm ảnh báo chí: gửi ảnh màu (khổ 12 x 18 cm) kèm theo bản photo tác phẩm ảnh đã được cơ quan báo chí sử dụng (đối với báo in); báo điện tử copy tác phẩm và in trên giấy A3 hoặc A4 (đề rõ đường link), có chứng nhận của cơ quan báo chí sử dụng (ký, đóng dấu). 

5. Tất cả các tác phẩm dự thi phải ghi rõ: họ và tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại để liên hệ, tên cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm; thể loại tác phẩm; ngày, tháng, năm đăng, phát tác phẩm. 

6. Thời gian, địa chỉ nhận tác phẩm: 

Các tác phẩm tham gia Cuộc thi có thể nộp trực tiếp, hoặc gửi qua đường bưu điện. 

Ban Tổ chức Cuộc thi nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1/11/2023 đến hết ngày 10/11/2023 (theo dấu bưu điện). 

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Ninh Bình; số 16, đường Tràng An, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Điện thoại: 0229.3876.241. 

7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm: 

Các tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét, tặng giải và những vi phạm quy định, trình tự, thủ tục xét, tặng giải. 

Đơn khiếu nại phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lý do khiếu nại và gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi (qua Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh). 

Ban Tổ chức cuộc thi có trách nhiệm xem xét và trả lời đơn khiếu nại. Không xem xét đơn không có tên, địa chỉ không rõ ràng hoặc mạo danh. Tác phẩm báo chí dự thi nếu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí và các quy định của Nhà nước có liên quan và Thể lệ này, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ thu hồi giải thưởng, thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ban Tổ chức Cuộc thi/baoninhbinh.org.vn

https://baoninhbinh.org.vn/the-le-cuoc-thi-bao-chi-ve-de-tai-xay-dung-nong-thon-moi/d20230222144442750.htm

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: