Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Triển vọng giống lúa ST25 ở Ninh Bình

Thứ Sáu, 03/12/2021

Để lựa chọn được giống lúa có năng suất, chất lượng gạo ngon, tính chống chịu sâu bệnh khỏe, thích ứng rộng bổ sung vào bộ giống lúa trên địa bàn tỉnh, trong 2 năm 2020 và 2021, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh đã tiến hành khảo sát, theo dõi giống lúa mới ST25 tại một số địa phương. Kết quả bước đầu cho thấy, ST25 có khả năng phù hợp với điều kiện của Ninh Bình, nhất là vùng Kim Sơn.

Triển vọng giống lúa ST25 ở Ninh Bình

Mô hình sản xuất lúa ST 25 theo hướng hữu cơ của HTX Hợp Thành, xã Chất Bình (huyện Kim Sơn). Ảnh: Anh Tuấn

Diện tích gieo cấy lúa hàng năm của tỉnh là gần 72 nghìn ha. Trong đó, lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm khoảng 72,5%. Tuy nhiên, hầu hết các giống lúa chất lượng cao mà bà con đang gieo cấy hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, thường  uyên nhiễm các đối tượng sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn ở vụ đông xuân, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn ở vụ mùa. Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải tuyển chọn được các giống lúa mới, có năng suất, chất lượng gạo ngon, tính chống chịu khỏe, phù hợp với điều kiện ở địa phương để thay thế các giống lúa cũ.

Thời gian qua, sau khi giống lúa ST25 đoạt giải nhất tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019, đã có một số cá nhân, HTX trên địa bàn tỉnh đưa giống này vào sản xuất thử nghiệm. Đến nay, tổng diện tích gieo cấy giống lúa ST25 trên toàn tỉnh trên 500 ha (vụ đông xuân 2021: 50 ha, vụ mùa 2021: 450 ha). 

Để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của giống, tính chống chịu sâu bệnh làm cơ sở định hướng phát triển, khuyến cáo cho bà con, năm 2020 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tiến hành khảo sát diện hẹp giống ST25 tại xã Chất Bình (huyện Kim Sơn); năm 2021, khảo sát diện rộng tại xã Chất Bình, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn và theo dõi tại các xã Khánh Cư, Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh) và Yên Nhân, Khánh Thượng (huyện Yên Mô). Kết quả bước đầu cho thấy, ST25 có khả năng phù hợp với điều kiện của Ninh Bình, nhất là vùng Kim Sơn.

Các chỉ tiêu cụ thể: Về thời gian sinh trưởng, giống ST25 có thời gian sinh trưởng dài hơn từ 5-7 ngày, thời gian trỗ bông dài hơn 2 ngày so với giống Bắc thơm số 7; chiều cao của ST25 cao hơn giống Bắc thơm số 7 từ 23,7-28 cm. Số dảnh tối đa, dảnh hữu hiệu của giống ST25 tương đương với giống Bắc thơm số 7; chiều dài bông của giống ST25 dài hơn giống Bắc thơm số 7 từ 4,6-8,8 cm. 

Về tình trạng nhiễm sâu bệnh: giống ST25 chưa thấy xuất hiện các bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông còn giống Bắc thơm 7 thì nhiễm nặng bệnh đạo ôn lá, nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn cổ bông. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: giống ST25 có xuất hiện vết bệnh trong vụ mùa (trên diện tích bón thừa đạm) còn giống Bắc thơm 7 thì nhiễm nặng. Sâu cuốn lá nhỏ: giống ST25 nhiễm sâu cuốn lá nhỏ cao hơn giống Bắc thơm 7.

Về các yếu tố cấu thành năng suất: số bông/m2 của giống ST25 tương đương với giống Bắc thơm 7, số hạt chắc trên bông giống ST25 nhiều hơn 2-3 hạt so với giống Bắc thơm 7; giống ST25 có tỷ lệ lép cao hơn 12-14% so với giống Bắc thơm 7. Tổng hợp lại thì giống ST25 cho năng suất cao hơn giống Bắc thơm 7 từ 8,5-11,76 tạ/ha (tương đương với 30,6-42,4 kg/sào).

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Theo dõi qua 4 vụ, cho thấy giống lúa ST25 sinh trưởng, phát triển rất tốt, năng suất cao và chất lượng gạo rất ngon, nhất là tại các vùng đất phèn, mặn tại huyện Kim Sơn.

Đặc biệt, bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn gần như không thấy xuất hiện. Nhược điểm nhất của giống là bộ lá đòng lòng mo, rậm, dễ bị sâu cuốn lá và rầy. Tuy nhiên, đây lại là 2 loại sâu rất dễ phòng trừ. Nông dân, các HTX rất hồ hởi với giống lúa này bởi gạo ngon, được thương lái ưa chuộng mua với giá rất cao (7.200 đồng/kg lúa tươi, 9.000 đồng/kg lúa khô và gạo được xuất bán với giá 22.000 -25.000 đồng/kg). 

Ông Hoàng Ngọc Mây, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cộng Thành (xã Chất Bình, huyện Kim Sơn) chia sẻ: Sau những vụ cấy thử nghiệm, bà con nông dân đã nắm vững quy trình, kỹ thuật gieo cấy, ưu điểm và nhược điểm của giống lúa ST25 từ đó có được những vụ mùa bội thu. 

Vụ đông xuân 2020-2021, năng suất lúa ST25 tại HTX là 69 tạ/ha; vụ Mùa 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 7, số 8 và hoàn lưu bão làm nhiều diện tích bị gãy đổ, hao hụt nhưng năng suất vẫn đạt 59,32 tạ/ha. Đặc biệt ST25 hội tụ đủ "hương, sắc, vị" theo thị hiếu người tiêu dùng nên tạo được sức hút lớn trên thị trường, giá bán cao, bà con có được thu nhập tốt.

Nhận định giống lúa ST25 có khả năng phù hợp với điều kiện của Ninh Bình, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Trồng trọt hướng dẫn trình tự, thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi để Ninh Bình đưa giống ST25 vào sản xuất đại trà theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, khuyến cáo các địa phương: Do giống ST25 có thời gian sinh trưởng dài, nên cần phải gieo mạ sớm hơn so với các giống chất lượng cao khác từ 5-7 ngày; nên gieo cấy gọn vùng để thuận lợi cho việc chăm sóc, điều tiết nước và thu hoạch. 

Để đảm bảo mẫu mã và chất lượng gạo, giảm tỷ lệ gãy nát, tăng tỷ lệ thu hồi gạo xay nếu có điều kiện nên sấy lúa ngay sau khi thu hoạch. Ngành chuyên môn sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá khả năng chống đổ và khả năng chống chịu của giống đối với các đối tượng sâu bệnh trong những vụ tiếp theo, đặc biệt là bệnh đạo ôn ở vụ đông xuân và bệnh bạc lá ở vụ mùa, nhằm mục đích đánh giá chính xác hơn về giống mới trước khi khuyến cáo nhân rộng ra đại trà. 

Với nhiều ưu điểm, hy vọng giống lúa ST25 sẽ sớm được nhân rộng ra đại trà để thay thế dần các giống lúa kém chất lượng và hay nhiễm sâu bệnh, tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, qua đó nâng cao thu nhập của người trồng lúa.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: