Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Trồng nho không hạt cho giá trị kinh tế cao, gắn nông nghiệp với phát triển du lịch

Thứ Tư, 26/10/2022

Lựa chọn các cây trồng có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân là chủ trương được ngành Nông nghiệp Ninh Bình quan tâm đầu tư, khuyến khích. Chọn và trồng giống nho không hạt sẽ cho kết quả "kép" - đó là hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương giàu tiềm năng như Ninh Bình.

Các đại biểu tham quan mô hình nho Hạ đen.

Nho Hạ đen là giống nho không hạt đã từng được trồng với quy mô lớn tại các địa phương ở Quảng Tây, Hải Nam, Nam Ninh...(Trung Quốc). Cây có đặc điểm sinh trưởng khỏe, cho thu hái 2 vụ quả/năm, thời gian cắt cành đến khi cho quả chín khoảng 110 - 120 ngày. Cây có tuổi thọ cao trên 15 năm cây mới cỗi.

Vụ xuân 2017, giống nho Hạ đen được Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) triển khai đưa vào trồng thử nghiệm. Qua thực tiễn nghiên cứu thử nghiệm và đánh giá, có thể nhận định cây nho Hạ đen sinh trưởng, phát triển tốt trên điều kiện sinh thái khác nhau ở các tỉnh miền Bắc, cây cho năng suất cao trung bình 16 tấn/ha/năm, cho hiệu quả kinh tế cao so với nhiều cây trồng khác. Với những thành công bước đầu trong việc khảo nghiệm giống nho Hạ đen tại Bắc Giang đem lại hy vọng trồng nho Hạ đen cho các vùng có điều kiện thời tiết khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng tương đồng, trong đó có tỉnh Ninh Bình.

Đó cũng chính là tiền đề thuận lợi để Trung tâm Khuyến nông, Khuyến lâm, Khuyến ngư Ninh Bình (Sở Nông nghiệp và PTNT) thực hiện đề tài "Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng giống nho Hạ đen tại huyện Hoa Lư". 

Thạc sỹ Khoa học cây trồng, chị Đinh Thị Hồng Liên, đồng thời là chủ nhiệm đề tài cho biết: Thời gian qua, nhóm tác giả thực hiện đề tài tiếp nhận và chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng giống nho Hạ đen, đồng thời xây dựng mô hình 3.000 m2 trồng giống nho Hạ đen tại huyện Hoa Lư. 

Nhóm thực hiện đề tài chọn huyện Hoa Lư, vì đất đai tại nơi đây mang tính chất đặc trưng của đất phù sa, không được bồi đắp hàng năm. Đất có chỉ số pH thấp, đất chua, hàm lượng dinh dưỡng dễ tiêu thấp. Hơn nữa toàn huyện có khoảng 3.000 ha đất trồng lúa, trong đó có trên 100 ha không cấy được lúa hoặc cấy một vụ sau đó nuôi cá, hiệu quả kinh tế không cao, việc có một cây trồng mới mang lại hiệu quả cao hơn là cần thiết.

Trồng nho -  các nhà vườn có thể kết hợp khai thác dịch vụ du lịch trải nghiệm.

Chị Đinh Thị Hồng Liên chia sẻ thêm, nhóm tác giả đề tài cùng các đơn vị, tổ chức tham gia luôn tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật, theo dõi, ghi chép, báo cáo. Đến thời điểm này, cây nho Hạ đen đang bước vào giai đoạn quả lên màu và chín. Dự kiến khoảng 30 ngày tới sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Đánh giá bước đầu, năng suất dự kiến đạt 2kg/gốc nho, với diện tích 3.000 m2, sản lượng cho thu hoạch ước đạt trên 2 tấn quả. 

Giống Hạ đen cho quả to tròn, không hạt, khi chín có màu tím thẫm, vỏ dày, thơm, vị ngọt đậm. Quả nho không những có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có nhiều giá trị dược liệu, như: hạn chế quá trình đông vón của tiểu cầu, giảm bệnh nhồi máu cơ tim, chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, chữa cao huyết áp, chống lão hóa… Với thành phần dinh dưỡng khá đầy đủ nên nho luôn là loại quả được nhiều người ưa thích. Trên thị trường hiện có giá bán trung bình từ 130 đến 140 nghìn đồng/kg. 

Được biết, đây là đề tài mới, thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh, bắt đầu được triển khai từ tháng 1/2022 đến tháng 3/2024 (26 tháng). Theo đó, đạt mục tiêu là xây dựng thành công mô hình trồng nho đảm bảo an toàn thực phẩm, năng suất năm thứ 2 đạt 11 tấn/ha/năm, đồng thời hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hái nho Hạ đen phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt, ngoài thu hoạch quả tươi để bán, các nhà vườn, các mô hình trồng nho Hạ đen còn có thể kết hợp khai thác dịch vụ du lịch trải nghiệm trong thời gian khá dài.

Ninh Bình phấn đấu đạt mục tiêu phát triển cây nho Hạ đen, góp phần bổ sung vào cơ cấu giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất đai, khí hậu ở địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. 

Đồng thời, việc xây dựng mô hình trồng nho Hạ đen sẽ là hướng đi trong việc lựa chọn các cây trồng có giá trị kinh tế cao, gắn nông nghiệp với phát triển du lịch, nâng cao thu nhập góp phần thực hiện thành công về chủ trương chuyển đổi trồng cây ăn quả. 

Nguồn bài, ảnh: Minh Đường/baoninhbinh.org.vn

https://baoninhbinh.org.vn/trong-nho-khong-hat-cho-gia-tri-kinh-te-cao-gan-nong-nghiep/d2022102409115955.htm

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: