Thứ Hai, 29/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Yên Hòa: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển thủy sản

Thứ Tư, 10/04/2019

Với nhiều lợi thế trong nuôi thủy sản nước ngọt, những năm qua xã Yên Hòa (huyện Yên Mô) đã vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Về Yên Hòa, chúng tôi được nghe cán bộ và nhân dân xã nói về hiệu quả thực sự của các mô hình nuôi thủy sản, nhất là những mô hình khoa học áp dụng kỹ thuật hoặc con nuôi mới. Điển hình như anh Phạm Văn Quyết, thôn Lạc Hiền, xã Yên Hòa, một thanh niên trẻ, năng động trong việc chuyển đổi từ sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi cá trên ao nổi và nuôi cá trắm thương phẩm có giá trị kinh tế cao. 

Năm 2016, gia đình anh bắt đầu đào ao thả cá trên diện tích 4 sào sau dồn điền, đổi thửa. Toàn bộ diện tích ao được xây dựng kiên cố, xung quanh trồng cỏ để nuôi cá trắm. Mặc dù là năm đầu tiên nuôi nhưng cá trắm lớn nhanh, cuối năm thu hoạch trọng lượng có con đã đạt tới 9 kg. 

Nhận thấy nuôi thủy sản là mô hình tiềm năng, cuối năm 2017 anh Quyết tiếp tục thuê thêm 1,8 mẫu ruộng của người dân không có nhu cầu sản xuất để xây dựng mô hình nuôi cá giống và cá thương phẩm trong “ao nổi”. Được sự hỗ trợ của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), huyện, xã về kỹ thuật xây dựng ao nuôi, chọn con giống, mô hình nhanh chóng được hoàn thành và đi vào sản xuất. Hiện gia đình anh Quyết có thêm 3 ao nổi, mỗi ao có diện tích 5 sào chủ yếu nuôi cá giống và nuôi chạch. 

Chia sẻ về kỹ thuật xây dựng và nuôi cá trong ao nổi, anh Quyết cho biết: Nuôi cá trong ao nổi là một kỹ thuật mới nhưng thực chất không quá khó và phức tạp, chỉ cần người dân nắm vững và tuân thủ kỹ thuật sẽ thành công và hiệu quả kinh tế khá cao. Ao chỉ cần đào sâu từ 30-50cm, sau đó lấy lớp đất màu đắp thành bờ cao từ 1,5-2m và đảm bảo có hệ thống cung cấp nước, cống cấp thoát nước, quạt ôxy giúp cá phát triển. 

Tiện ích của ao nổi là sóng nhiều, thoát khí tốt nên lượng mùn và bã phân hủy nhanh, lượng lắng đáy rất ít; thay nước dễ dàng, không khí và luồng gió tự nhiên giúp tạo ôxy, tiết kiệm chi phí. 

Sau 1 năm xây dựng mô hình nuôi cá trên ao nổi cho thấy đây là mô hình phù hợp trên đồng đất, khí hậu của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao hơn phương thức nuôi truyền thống. 

Ngoài kỹ thuật về ao nuôi thì con giống, mật độ thả, quy trình quản lý chăm sóc đàn cá cũng tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan chức năng đã hướng dẫn và khuyến cáo. 

Năm 2018, với mô hình nuôi cá trên ao nổi và nuôi cá trắm trong ao chìm, gia đình cung cấp ra thị trường gần 2 tấn cá giống, 5 tạ chạch sụn và vài tấn cá thương phẩm. Sau khi trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng.

Hiện nay, Yên Hòa là một trong những địa phương phát triển khá tốt mô hình ao nổi với quy mô trên 7 ha để thâm canh thủy sản. Tuy mới xuất hiện trong 3 năm trở lại đây, nhưng mô hình nuôi cá trên ao nổi bước đầu đã khẳng định được nhiều ưu thế, như không phá vỡ hiện trạng đồng ruộng, thuận lợi khi chuyển sang hình thức sản xuất khác; giảm chi phí nuôi, quản lý được môi trường, hạn chế dịch hại... nên cho năng suất, giá trị cao hơn so với các ao chìm truyền thống. 

Các đối tượng nuôi chủ yếu là: cá giống các loại, chạch sụn, cá thương phẩm. Nhiều hộ đã xây dựng được mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX, doanh nghiệp có giá trị thu hoạch đạt khoảng 400 - 450 triệu đồng/ha. 

Cùng với phát triển mô hình nuôi mới, thực hiện chủ trương của huyện, Yên Hòa đã vận động nhân dân chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang canh tác lúa - cá, kết hợp chăn nuôi. 

Đến nay, toàn xã đã có trên 80 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa - cá. Giá trị thu hoạch trung bình đạt trên 270 triệu đồng/ha/năm cao gấp 3-4 lần so với cấy lúa.

Theo ông Phạm Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, để phát triển nuôi trồng thủy sản, địa phương đã phối hợp với Chi cục Thủy sản, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về kỹ thuật nuôi mới, nuôi con giống mới... 

Đồng thời, phối hợp triển khai hiệu quả các chính sách, chế độ của tỉnh, của huyện hỗ trợ người nuôi. Yên Hòa cũng tập trung xây dựng mô hình điểm, tổng kết, rút kinh nghiệm và tổ chức học hỏi, nhân rộng mô hình trên địa bàn. 

Nhờ làm tốt quy trình nuôi, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh nên thủy sản của Yên Hòa phát triển khá tốt, hiệu quả kinh tế cao và là địa chỉ cho nhiều đơn vị khác trong, ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. 

Trong thời gian tới, Yên Hòa tiếp tục đẩy mạnh phát triển thủy sản, trọng tâm là áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống con nuôi có chất lượng vào nuôi để nâng cao hơn nữa thu nhập của người dân.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: