Thứ Bảy, 27/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Yên Hòa từng bước xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra bền vững cho nông sản

Thứ Ba, 01/01/2019

Yên Hòa là một xã nằm ở nửa phía bắc huyện Yên Mô, có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng như rau rút, rau cần, cá chạch sụn... Thời gian qua, xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển sản xuất, cơ cấu lại nông nghiệp. Song song với đó, xã cũng quan tâm, chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo hộ tên gọi… đối với các sản phẩm đặc thù, chất lượng tốt, từ đó nâng giá trị, tìm đầu ra bền vững cho nông sản của địa phương.

 Mô hình trồng rau rút sạch ở xã Yên hoà (Yên Mô). Ảnh: Trường GiangĐể tăng thu nhập cho người dân và hướng đến một nền nông nghiệp phát triển, trong những năm qua, xã Yên Hòa đã tìm nhiều biện pháp để nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích hoặc một chu kỳ sản xuất, hình thành và phát triển được một số vùng sản xuất chất lượng, tập trung, có sự liên kết bao tiêu sản phẩm, có thị trường đầu ra ổn định.

Ông Đỗ Văn Xuất, xóm 3, Liên Trì vừa nhanh tay thu hoạch rau rút để kịp cho buổi chợ vừa vui mừng cho chúng tôi biết: Loại rau rút này có thể cho ông thu nhập theo ngày, cứ đếm ngọn là ra tiền, đầu vụ 1.000 đồng/ngọn, giữa vụ thì 500-700 đồng, 1 sào mỗi lứa cắt được khoảng 1000 ngọn, 1 tháng thu khoảng 4-5 lứa như vậy và việc thu hoạch này kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7, tháng 8. Ông Xuất cũng khẳng định, ăn rau ở đây người tiêu dùng có thể yên tâm. 

Nhiều người cứ thắc mắc sao rau rút Liên Trì đẹp thế, phao trắng thế, không đen như những nơi khác đơn giản bởi vì chúng tôi trồng rau trong nước sạch, nguồn nước thường xuyên được thay tháo từ sông vào, nước trước khi đưa vào ao đều phải lọc, ngoài ra rau rút là loại rất ít sâu bệnh nên chẳng bao giờ phải phun thuốc BVTV. Có thể nói rau rút Liên Trì luôn luôn giữ vị trí số 1 ở trên thị trường và chẳng khi nào lo ế.

Còn tại thôn 3, Trinh Nữ, 2 năm trở lại đây nổi lên với mô hình nuôi cá chạch sụn, thu lãi khá. Anh Nguyễn Ngọc Dần có 2 ao nuôi chạch sụn, cho biết: Mặc dù gia đình mới đưa loại cá này vào nuôi thử nghiệm từ cuối năm ngoái nhưng bước đầu cho hiệu quả tốt, thả 2 ao thì 1 ao đã chuẩn bị cho thu hoạch, sản lượng dự kiến khoảng 1 tấn. 

Sản phẩm được HTX, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ với giá 90 nghìn đồng/kg. Anh Dần cũng cho biết thêm, toàn bộ quy trình nuôi gia đình tuân thủ nghiêm ngặt sự hướng dẫn, chỉ đạo của HTX và cán bộ thủy sản; thức ăn, thuốc thú y đều đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Theo báo cáo từ UBND xã Yên Hòa, hiện nay 32% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (158/495 ha) đang thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả cao, thu nhập gần 300-400 triệu đồng/1ha/1năm. Trong đó vùng chuyên canh rau rút, rau cần và ươm nuôi cá giống có diện tích 63 ha; vùng cấy lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang mô hình lúa – cá 70 ha; vùng trồng chuối tây Thái Lan gần 14 ha; vùng trồng cây ăn quả (ổi, chanh…) khoảng 3 ha; vùng nuôi chạch sụn 8 ha.

Ông Phạm Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: Được huyện Yên Mô chọn để làm thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các HTX, thôn, xóm rà soát, đánh giá phân tích tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương; xác định khó khăn, thuận lợi để xây dựng Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của xã giai đoạn 2016-2020. 

Trong đó, trọng tâm là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Xã đã tiến hành rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch lại các vùng sản xuất phù hợp với điều kiện canh tác của từng khu vực. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tạo mọi điều kiện cho các hộ gia đình tích tụ ruộng đất, chuyển nhượng đất 313, dồn đổi đất 5%, phát triển các mô hình điểm để nhân dân học tập và nhân rộng. 

Tổ chức cho các hộ dân đi tham quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh bạn, từ đó từng bước thay đổi tư duy, khơi dậy sức sáng tạo, ý chí làm giàu của người nông dân. Để động viên, xã có chính sách hỗ trợ cho những mô hình cây, con mới là 10 triệu đồng/1ha. Từ những chính sách hỗ trợ trên đã tạo động lực cho người dân tích cực dồn đổi đất, phát triển kinh tế. 

Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập vài trăm triệu đồng trên 1 ha như: mô hình trồng rau rút, rau cần và cá giống ở thôn Liên Trì, đạt 500 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi chạch sụn 400 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng chuối kết hợp nuôi cá 320 triệu đồng/ha/năm... Yên Hòa cũng đã xây dựng được các tổ hợp tác, HTX để tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đến nay, giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha đất canh tác của Yên Hòa đạt 134 triệu đồng/ha, cao hơn trung bình chung toàn huyện Yên Mô là 18 triệu đồng/ha.

Ông Ngân cũng cho biết, ngoài việc tổ chức sản xuất, xã cũng rất chú trọng khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm, với việc xây dựng hẳn một trang web riêng cho nông sản Yên Hòa, mang sản phẩm đi giới thiệu tại các hội chợ thương mại… Mới đây tham gia vào chương trình xúc tiến thương mại toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, 2 sản phẩm của địa phương là rau rút và cá chạch sụn được người tiêu dùng rất ưu thích, đây là một tín hiệu vui cho nông sản Yên Hòa. 

Được biết, hiện xã đang triển khai làm quy trình sản xuất rau sạch tại Bộ KHCN, nếu không có gì thay đổi thì tới đây sản phẩm, rau rút, rau cần, cá chạch sụn, chuối tây Thái Lan của xã sẽ được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và được cấp nhãn hiệu độc quyền. Khi đó sản phẩm nông sản của Yên Hòa sẽ dễ dàng vào được các kênh phân phối hiện đại và được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Một khi đầu ra đã ổn định thì việc mở rộng diện tích sản xuất sẽ không có gì khó khăn.

Theo baoninhbinh.org.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: