Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Yên Mô tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa đông xuân

Thứ Hai, 11/03/2019

Vụ đông xuân năm 2019, do làm tốt công tác chuẩn bị, thời tiết thuận lợi, huyện Yên Mô đã hoàn thành gieo cấy nhanh gọn trên 6.470 ha lúa trong khung thời vụ tốt nhất và sớm hơn 5 ngày so với kế hoạch. Nhằm đảm bảo diện tích lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt, hiện bà con nông dân trong huyện đang tập trung chăm sóc, theo dõi và phòng trừ sâu bệnh cho lúa.

Tại các cánh đồng gần nhà thờ Yên Thổ (thuộc thị trấn Yên Thịnh) rất nhiều bà con nông dân đang dặm tỉa, bắt ốc và làm cỏ cho diện tích lúa gieo thẳng nhằm đảm bảo đúng mật độ, tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh. Bác Nguyễn Thị Hường cho biết: Năm nay gia đình bác gieo cấy hơn 1 mẫu ruộng và 100% diện tích thực hiện bằng phương thức gieo thẳng, chủ yếu là lúa chất lượng cao được các cơ quan chức năng khuyên dùng vì có năng suất, chất lượng và có khả năng kháng một số loại sâu bệnh. 

Có thể đánh giá từ đầu vụ đến nay thời tiết rất thuận lợi, nắng ấm liên tục đã tạo điều kiện tốt để gia đình bác và bà con đẩy nhanh tiến độ gieo cấy. Hiện nay hầu hết diện tích lúa vụ xuân của gia đình bác đã dặm tỉa xong, lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô, vụ đông xuân năm 2019, thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, cùng với sự chuẩn bị khá tốt các điều kiện phục vụ sản xuất (làm đất, lấy nước, chuẩn  bị giống, vật tư, phân bón,…)  tạo điều kiện cho bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo cấy và hoàn thành kế hoạch. 

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, từ ngày mùng 8/2 các xã, thị trấn đã đồng loạt xuống đồng gieo cấy lúa đông xuân và đến ngày 15/2 toàn huyện đã cơ bản gieo cấy xong, đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất, sớm hơn 5 ngày so với kế hoạch. Tổng diện tích gieo cấy lúa toàn huyện đạt 6.470 ha, giảm 93,6 ha so với vụ đông xuân năm 2018 (do chuyển đổi sản xuất sang mô hình chuối - cá, ao nổi và xây dựng cụm công nghiệp Khánh Thượng). 

Trong đó diện tích lúa gieo thẳng chiếm 94% tổng diện tích gieo cấy, có 12/17 xã có diện tích lúa gieo thẳng đạt 100% diện tích. Năm nay huyện Yên Mô có 100% diện tích gieo cấy ở trà xuân muộn. Phần lớn các đơn vị đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng giảm diện tích lúa lai, tăng diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Toàn huyện gieo cấy 78,2% diện tích lúa chất lượng cao và nếp các loại. Nhiều đơn vị có diện tích cấy lúa chất lượng cao đạt trên 90% như: Yên Mạc, Yên Thắng, Khánh Thịnh.

Ngay sau khi hoàn thành gieo cấy, các xã, thị trấn đã tập trung ngay vào công tác chăm sóc, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật như: tỉa dặm cho diện tích lúa bị khuyết dảnh, khuyết khóm để đảm bảo mật độ; bón phân cân đối, bón đủ lượng, bón đúng; theo dõi và phòng trừ sâu bệnh cho lúa. 

Đến nay, toàn bộ diện tích gieo cấy lúa của Yên Mô đang sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó diện tích lúa cấy ngoài đê đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, lúa cấy đại trà đang bắt đầu đẻ nhánh, lúa gieo vãi đang giai đoạn 4-5 lá.

Để vụ đông xuân giành thắng lợi, trong thời gian tới huyện Yên Mô chỉ đạo bà con nông dân tiếp tục tập trung làm tốt công tác chăm sóc lúa, tiến hành bón phân thúc để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Xác định nước là yếu tố quan trọng, huyện Yên Mô chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp phối hợp với Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện đảm bảo đủ nước trong từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, tuyệt đối không để ruộng bị hạn. 

Trong đó tranh thủ lấy nước triều cường vào đồng đối với những vùng lấy được nước triều và tổ chức bơm động lực đối với những vùng còn lại. Riêng những vùng lấy nước hồ, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị phải tiết kiệm nước, đảm bảo lấy nước đủ tưới được 2-3 lần dưỡng lúa. 

Đối với những vùng chủ động tưới tiêu, đặc biệt là ở những diện tích lúa gieo vãi, ở giai đoạn cuối đẻ nhánh cần rút nước phơi ruộng từ 5-7 ngày để hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, sau đó đưa nước vào ruộng từ 3-5 cm tạo điều kiện cho bộ rễ ăn sâu, tăng khả năng hút dinh dưỡng và chống đổ.

Thời tiết vụ xuân năm 2019 tương đối ấm và thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, tuy nhiên cũng là điều kiện tốt cho sâu bệnh phát sinh gây hại, nhất là các loại sâu bệnh: đạo ôn, sâu cuốn lá, rầy các loại là môi giới truyền  bệnh lùn sọc đen phương nam hại lúa. 

Do vậy, huyện Yên Mô yêu cầu các đơn vị chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, làm tốt công tác dự thính, dự báo để phát hiện và xử lý kịp thời sâu bệnh phát sinh, hạn chế làm ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển và năng suất của các loại cây trồng. Ngoài ra các xã, thị trấn tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tổ chức diệt chuột tập trung theo các đợt và ốc bươu vàng gây hại cho lúa.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: