Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Yên Mô tập trung phát triển sản xuất vụ đông theo hướng nâng cao giá trị

Thứ Tư, 19/12/2018

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vụ đông năm 2018, huyện Yên Mô chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung gieo trồng các giống cây có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc sản xuất theo tín hiệu thị trường nhằm nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân.

Chăm sóc lạc vụ đông tại xã Mai Sơn (Yên Mô). Ảnh: Anh TuấnTheo bà Lê Thị Linh, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô, trong những năm gần đây, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất cho hiệu quả kinh tế khá cao đối với bà con nông dân của Yên Mô. Nhất là đối với các xã, thị trấn có quỹ đất màu và đất lúa màu đã phát triển mạnh các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: ngô ngọt, lạc, đậu tương rau xuất khẩu, ớt, khoai tây…có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Năm 2018, Yên Mô phấn đấu gieo trồng 1.800 ha cây vụ đông các loại đảm bảo ăn chắc, hiệu quả. Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất vụ đông theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Yên Mô đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung thâm canh các cây trồng đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao. 

Đặc biệt, để khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích trồng khoai tây, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có quyết định hỗ trợ kinh phí làm đất trồng khoai tây vụ đông năm 2018 với mức 100.000 đồng/sào. 

Đối với các địa phương, ngay từ đầu vụ, các HTX nông nghiệp đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH Thanh An, Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật Hương Quê, Công ty á Châu, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đậu đỗ, Công ty ớt Việt Nam… để sản xuất và tiêu thụ hàng trăm ha lạc đông, ngô ngọt, đậu tương rau xuất khẩu, khoai tây, ớt… 

Đồng thời vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, bố trí cây trồng hợp lý, khoa học để chủ động quỹ đất mở rộng canh tác theo mô hình sản xuất 4 vụ trong năm 2019 trên đất màu và đất lúa màu.

Tính đến nay, huyện Yên Mô đã gieo trồng trên 1.480 ha cây vụ đông, đạt hơn 83% kế hoạch, bao gồm: 126 ha lạc, 337 ha ngô (ngô ngọt là 63,5 ha), hơn 162 ha khoai lang, gần 22 ha bí xanh, 24 ha dưa chuột, trên 91 ha khoai tây... 

Bà Lê Thị Linh, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Nhìn chung, đến nay thời vụ các cây đông chính vụ đã hết, tiến độ sản xuất vụ đông năm 2018 chậm hơn so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu là do có sự chuyển dịch lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp có thu nhập cao hơn, sản xuất vụ đông năm 2017 bị ảnh hưởng của thiên tai nên nhiều diện tích ngô ngọt trà sớm không cho thu hoạch đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý sản xuất của bà con nông dân… 

Tuy nhiên, nét mới trong sản xuất vụ đông năm nay ở Yên Mô là nhiều hộ dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng phương pháp che phủ rơm rạ, nilon, sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế cỏ dại, sâu bệnh và giữ ấm cho đất. 

Đồng thời đẩy mạnh áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay. Nhiều hộ nông dân đã mở rộng diện tích rau trà sớm cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Tống Viết Lư, xã Mai Sơn ngay từ đầu vụ đông đã xuất bán 1 ha su hào sớm trồng theo phương pháp che phủ nilon với giá bán buôn bình quân 9.000 đồng/củ, cao gấp 2 - 3 lần giá chính vụ. 

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa tập trung, như tại xã Yên Phong có 2 hộ mạnh dạn thuê, mượn đất của các hộ không sản xuất vụ đông để trồng 19 ha ngô ngọt xuất khẩu hay tại xã Yên Lâm đã triển khai trồng 5,8 ha đậu xanh theo phương pháp làm đất tối thiểu.

Trong thời gian tới, Yên Mô tiếp tục chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tạo điều kiện cho cây đông đã trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Đồng thời, tranh thủ thời vụ, thời tiết, tận dụng điều kiện đất đai tiếp tục mở rộng diện tích các loại cây rau ăn lá ngắn ngày, phấn đấu hoàn thành kế hoạch gieo trồng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: