Chúng tôi về Yên Thái đúng dịp bà con nông dân đang bắt đầu thu hoạch những lứa ngô đầu tiên, trên các cánh đồng của 2 HTX nông nghiệp Quảng Công và Quang Trung, nhà nhà đi bẻ ngô; xe máy, xe thồ, bì to bì nhỏ xếp hàng chờ doanh nghiệp thu mua, không khí nhộn nhịp như một ngày hội, nắng nóng, mệt nhọc nhưng nét mặt ai cũng phấn khởi. Ông Phạm Văn Khuyến, thôn Tiền Thôn cho biết: Năm ngoái, gia đình tôi trồng ngô ngọt rồi nhưng năng suất không cao, năm nay doanh nghiệp đưa về giống ngô mới này, cây khỏe hơn, bắp to hơn.
Sáng nay, tôi mới thu hoạch khoảng 10 thước mà đã được 4 tạ rồi, như vậy 1 sào chắc phải được 6 tạ. Với giá thu mua 4.100 đồng/kg, bà con chúng tôi thu lãi khoảng 2 triệu đồng/sào, trong khi đó thời gian từ trồng đến thu hoạch chỉ vẻn vẹn có 70 ngày. Bà Vũ Thị Lan, thôn Từ Đường cho biết thêm: Giống ngô của Công ty Hai mũi tên đỏ khỏe lắm, chẳng có sâu bệnh gì, dễ canh tác, chất lượng bắp thì miễn chê, ngọt mà vỏ lụa rất mỏng, ăn không bị cứng.
Đặc biệt, sản phẩm sau khi thu hoạch được Công ty Thanh An thu mua ngay tại ruộng, nông dân chúng tôi chẳng phải tốn công phơi khô, tách hạt gì cả. “Cứ liên kết làm ăn như thế này thì thu nhập của nông dân chúng tôi chắc chắn sẽ khấm khá lên nhiều”, bà Lan nói.
Đại diện đơn vị cung ứng giống Công ty TNHH East West Seed, ông Đặng Văn Niên chia sẻ: Mô hình đã gặt hái được những thành công bước đầu, nhưng thực sự tôi chưa hài lòng với con số năng suất 6-6,5 tạ/sào, giống ngô lai F1 Golden Cob trên đồng đất này có thể cho năng suất cao hơn nữa. Tuy nhiên, đây là vụ đầu tiên nên một số quy trình kỹ thuật canh tác của bà con còn chưa thực hiện đúng, vẫn còn hiện tượng để 2-3 bắp trên 1 cây hay không tuân thủ đúng mật độ khi gieo trồng… Trong các vụ tiếp theo, Công ty sẽ cử cán bộ kỹ thuật về tập huấn, trực tiếp cầm tay chỉ việc để bà con thực hiện đúng kỹ thuật và tin tưởng rằng năng suất sẽ cao hơn, nông dân sẽ thu lãi nhiều hơn.
Trao đổi với ông Dương Đức Hồng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quang Trung, được biết, mô hình liên kết trồng ngô ngọt thành công không những tăng thu nhập cho các hộ dân, không lo “được mùa mất giá” mà các HTX nông nghiệp còn được các doanh nghiệp chi trả tiền công chỉ đạo, điều hành sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập cho các thành viên Ban giám đốc và người trực tiếp tham gia chỉ đạo, điều hành. Thời gian tới, đơn vị sẽ khuyến khích nông dân có kế hoạch mở rộng diện tích gieo trồng trên các chân đất màu kém hiệu quả nhằm tăng vụ, tăng năng suất và thu nhập.
Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô, ngô ngọt là một trong những cây trồng nằm trong mô hình liên kết và tiêu thụ sản phẩm luân canh “4 vụ” trong năm (khoai tây đông xuân + ngô ngọt xuân hè + đậu xanh hè thu + lạc đông) mà đơn vị đã triển khai từ năm 2017 nhằm cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa và đề án tái cơ cấu nông nghiệp huyện.
Kết quả đánh giá cho thấy, đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, cả 4 loại cây trồng đều được doanh nghiệp cho ứng trước giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, bình quân giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt 350 triệu đồng, tăng 3 lần so với phương thức canh tác truyền thống.
Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các xã, thị trấn trên địa bàn mở rộng mô hình, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: