Thứ Năm, 02/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Đồng Phong: Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tạo sinh kế ổn định, bền vững

Thứ Hai, 13/07/2020

Sau 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đến nay xã Đồng Phong (Nho Quan) đã hoàn thành 14/14 tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, diện mạo nông thôn của xã được đổi mới. Cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của xã, các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng cơ giới hóa sản xuất, công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển, môi trường được bảo vệ, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

 

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH L.H Plastic (xã Đồng Phong, Nho Quan).

 

Đồng chí Bùi Trần Dự, Chủ tịch UBND xã Đồng Phong cho biết: Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là mục đích quan trọng hàng đầu khi xã tiến hành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đảng bộ, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và vận động nhân dân tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có năng suất thấp, kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi cho năng suất và giá trị kinh tế cao.

Trước đây, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã Đồng Phong là lạc và ngô, sản lượng chăn nuôi và thủy sản rất thấp. Đặc biệt, tỷ lệ đất hoang hóa do khó khăn trong công tác tưới tiêu rất lớn. Năm 2018, xã đã quy hoạch vùng sản xuất làm cơ sở để vận động nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang phát triển các sản phẩm có thế mạnh, cho giá trị kinh tế cao như: cây lạc, lúa, cây ăn quả, thủy sản, gà Đông Tảo...

Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được 19,5ha, chiếm 10,31% diện tích đất nông nghiệp, các loại cây trồng được chuyển đổi cho giá trị cao hơn hẳn so với trồng lúa từ 3-5 lần. Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỷ trọng chăn nuôi trên địa bàn xã ngày càng tăng cao, phương thức chăn nuôi truyền thống chuyển dần sang bán công nghiệp và công nghiệp, đẩy mạnh phát triển con nuôi có lợi thế như gà lai Đông Tảo, cá, lợn. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã là 50.964 con, trong đó: đàn trâu, bò là 210 con, đàn lợn 754 con, gia cầm 50.000 con.

Diện tích nuôi thủy sản cũng tăng nhanh do chuyển đổi diện tích 1 vụ lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Tổng diện tích nuôi thủy sản năm 2019 là 9,5 ha. Tổng sản lượng đánh bắt đạt 400 tấn, giá trị thu nhập đạt 20 - 25 tỷ đồng.

Trên địa bàn xã đã có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu là mô hình chuyển từ cây lúa sang cây ổi với diện tích 3,5ha mang lại giá trị kinh tế ước đạt 250-280 triệu đồng/ha/năm; mô hình cây cam canh, cây bưởi diện tích 5 ha... ước đạt 300 - 400 triệu đồng/ha/năm; mô hình rau an toàn của nhân dân thôn Trung Tâm và HTX nông nghiệp là mô hình mới bước đầu còn gặp khó khăn trong khâu tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nhưng với quyết tâm cao mô hình vẫn đang triển khai thực hiện khoảng 5 ha, ước đạt giá trị 250-300 triệu đồng/ha/năm; mô hình cây dược liệu trên địa bàn xã với quy mô 6 ha mang lại giá trị kinh tế khoảng 160-180 triệu đồng/ha/năm; mô hình hợp tác xã chăn nuôi gà lai Đông tảo tại thôn Phong Thành gồm có 13 hộ gia đình tham gia, quy mô khoảng 30.000 con/năm, ước đạt giá trị từ 4-5 tỷ đồng/năm. Trung bình thu nhập từ nuôi gà lai Đông Tảo khoảng 250 - 300 triệu đồng/hộ/năm; mô hình chăn nuôi thủy sản của 11 hộ dân thôn Liêu Thượng cũng mang lại giá trị kinh tế cao, ổn định. Sản lượng cá các loại từ 40-50 tấn/năm; giá trị kinh tế khoảng 2,3-2,5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân hộ chăn nuôi thủy sản đạt 200 - 220 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, xã tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong năm 2018 và 2019, đã có thêm 4 công ty đóng trên địa bàn xã đi vào hoạt động đó là Công ty Xăng dầu Dương Đông - Sài Gòn; Công ty Nhựa Plastic, sản xuất đồ chơi trẻ em, số lượng 600 công nhân; Công ty may Văn Phú dự kiến 800 công nhân và Công ty giầy da Thiên Trường Phát có 200 công nhân. Trên địa bàn xã hiện có 10 doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.

Ngoài ra, với vị trí địa lý thuận lợi, các hoạt động giao thương, buôn bán, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phát triển mạnh, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ giải trí. Toàn xã có 233 hộ sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động và có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Hiện toàn xã có 3.180/4.650 người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên. Trong đó có 1.159 lao động làm tại các công ty, doanh nghiệp ở ngoài tỉnh cho thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, có gần 2.000 lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn xã, trong đó lao động địa phương chiếm hơn 1.500 người.

Cùng với đó, xã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, tham gia các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, thực hiện tốt công tác dạy và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người là 50,2 triệu đồng/năm, tăng 23,2 triệu đồng/năm so với năm 2014, dự kiến đến hết năm 2020 sẽ đạt 52 triệu đồng/năm. Đến nay, xã Đồng Phong không còn hộ nghèo.

Theo Baoninhbinh.org.vn

 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: