Thứ Năm, 02/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Gia Viễn tích cực bảo vệ diện tích thủy sản

Thứ Sáu, 19/11/2021

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển mạnh, kết hợp với hiệu ứng phơn tăng cường, nắng nóng tiếp tục gia tăng ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung với cường độ gay gắt. Điều kiện thời tiết đã và đang có những tác động bất lợi đến năng suất và sản lượng thủy sản ở huyện Gia Viễn.

Gia Viễn tích cực bảo vệ diện tích thủy sản

Hộ anh Nguyễn Văn Thủy (thôn Hoàng Long) chăm sóc, bảo vệ ao cá nuôi thả.

Mấy vụ mùa qua, diện tích nuôi thủy sản ở huyện Gia Viễn tăng nhanh. Năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Gia Viễn đạt gần 2.400 ha, chiếm khoảng 40% diện tích sản xuất vụ mùa. Cùng với dó, phong trào "dồn điền, đổi thửa" đã thực hiện từ nhiều năm qua, đó là tiền đề thuận lợi cho đầu tư sản xuất nông nghiệp, trong đó biến khó khăn về điều kiện tự nhiên thành lợi thế nuôi trồng thủy sản. 

5 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Gia Viễn có nhiều  HTX nuôi trồng thủy sản được thành lập. Hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện phát triển ổn định về diện tích, tăng dần về năng suất và sản lượng. Nếu như năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Gia Viễn mới đạt 1.700 ha, thì năm 2021 đạt khoảng 2.400 ha, mỗi năm bình quân tăng từ 8 đến 10%. Hàng năm sản lượng ước 6.000 tấn, mang về giá trị khoảng gần 160 - 200 tỷ. So với cấy lúa, nuôi thủy sản cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần.

Vì vậy, thời điểm này, để ứng phó kịp thời trước tác động của thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong nuôi thủy sản, các hộ nông dân, các HTX nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Gia Viễn đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ các đối tượng thủy sản, nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Ngay từ đầu tháng 6, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc tăng cường công tác phòng, chống nắng nóng cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi thả, nhằm giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất. 

Tìm hiểu ở nhiều địa phương có phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển, như: HTX thủy sản Đoàn kết Vân Long, HTX thủy sản Gia Hòa, HTX thủy sản Gia Tân, HTX thủy sản Sông Hoàng, HTX nuôi trồng thủy sản Gia Minh và nhiều tổ hợp tác khác, những ngày này, các hộ nông dân có diện tích nuôi cá đang chủ động phòng, chống nắng nóng bảo vệ thành quả sản xuất đã đầu tư.

Hộ anh Lê Văn Luật ở thôn Lương Sơn, xã Gia Sinh cho biết, mấy hộ cùng thôn thành lập nhóm nhận thầu ruộng vụ mùa mà nhiều hộ không cấy, tổ chức quai bờ, nuôi cá ngắn ngày. Đây là lứa cá sẽ cho thu hoạch cuối tháng 12, sau đó trả lại đất cho các hộ cấy lúa đông xuân vụ tới. 

Với hình thức nuôi cá trong ruộng lúa (lúa + cá), nhóm nhận thuần ruộng luôn chủ động lấy đủ nước để đảm bảo thả giống đúng tiến độ mùa vụ. 

Đặc biệt, ở ruộng lúa chọn để nuôi thả cá cần tiến hành đắp nâng bờ ruộng và đầm nén các nơi rò rỉ để giữ nước, đồng thời đào mương tạo các chỗ trũng trong ruộng làm nơi trú ẩn cho cá vào những ngày nắng nóng kéo dài. Cùng với đó, phải chủ động nguồn nước cấp để có thể dâng mực nước lên mức cần thiết, nhằm hạ nhiệt độ của nước khi nắng nóng kéo dài. 

Khác với những hộ nuôi cá trên ruộng lúa, các thành viên ở HTX thủy sản Sông Hoàng (xã Gia Trung) chủ yếu nuôi cá trên những ao nổi. 

Anh Nguyễn Văn Vàng, Giám đốc HTX thủy sản Sông Hoàng cho biết: Nhiệt độ cao phổ biến gần 400C, độ ẩm tương đối thấp, các thành viên có ao phải tăng cường chú ý chăm sóc và quản lý ao nuôi. Cụ thể như đầu tư mua sắm máy phát điện, sử dụng quạt nước làm giàu oxy, máy sục khí, máy bơm nước, máy phun thức ăn tự động. 

Lưu ý, sử dụng thức ăn đảm bảo đủ chất lượng, số lượng và phù hợp các loại cá, tuyệt đối không đưa phân chuồng trực tiếp xuống ao. Ngay cả thời gian cho cá ăn cũng phải vào buổi sáng, sớm hơn thường lệ để tránh nắng. Cùng với đó, không đánh bắt, vận chuyển và thả giống trong những ngày nắng nóng. 

Giám đốc HTX thủy sản Sông Hoàng cho biết thêm: Thành lập từ 2018, đến nay HTX đã có 36 thành viên, đầu tư gần 32 ha ao nuôi thả cá. Hàng năm, sản lượng cá của HTX đạt 700 đến 800 tấn cá thịt các loại. 

Do ảnh hưởng của dịch COVID - 19,  hơn một năm qua, giá các loại cá bán buôn cho thương lái hạ đáng kể (giảm gần 30%), trong khi giá vật tư (cá giống, cám, thuốc vi sinh…) cung ứng cho chăn thả cá lại không hề giảm. 

Cụ thể như, cá trắm loại từ 2,5 kg trở lên có giá 42 nghìn đồng/kg, cá chép từ 1,2 kg trở lên giá 32 nghìn đồng/kg, các trôi giá 18 nghìn đồng/kg và cá mè từ 8-10 nghìn đồng/kg …Nhìn chung, hầu như các thành viên chỉ duy trì diện tích, thả giống với số lượng cầm chừng, không dám đầu tư mở rộng sản xuất.

Với nhiều chủ hộ nuôi thủy sản ở các xã Gia Hòa, Gia Lạc, Gia Minh, Gia Tân,… trước tình hình, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, đầu ra của thị trường còn khó khăn, nên các hộ không ngừng quyết tâm bảo vệ diện tích đang nuôi thả. 

Theo đó, các hộ đẩy mạnh tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vùng nuôi, quản lý nguồn giống và chất lượng giống đang thả, khi phát hiện các ao nuôi có biểu hiện bất thường hoặc hiện tượng cá bị chết, kịp thời khoanh vùng, báo cáo kịp thời về UBND huyên để có biện pháp xử lý, bảo vệ diện tích thủy sản.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: