Thứ Năm, 02/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Gia Viễn về đích huyện nông thôn mới

Thứ Sáu, 16/10/2020

 Ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định công nhận huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và huyện đã tổ chức đón nhận Quyết định trên vào ngày 1/8/2020. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Gia Viễn đã có nhiều đổi thay nhờ thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Gia Viễn cho biết: 10 năm trước khi bắt đầu triển khai chương trình không ít người còn chưa hiểu NTM là gì? cách làm ra sao? bắt đầu như thế nào? nguồn lực ở đâu?... thì đến nay NTM đã hiện hữu ngay tại chính quê hương mình.

Phong trào xây dựng NTM đã trở thành một phong trào thi đua sâu rộng với khí thế mạnh mẽ ở khắp các địa phương, đơn vị trong huyện và thực sự là luồng gió mới thúc đẩy sự phát triển toàn diện về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của huyện Gia Viễn.

Năm 2019, huyện có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 20/20, trong đó có 1 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.

Có được kết quả trên là do Huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng NTM bền vững và tuyên truyền sâu rộng tới các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, nội dung, yêu cầu của chương trình; trách nhiệm, quyền lợi của người dân trong xây dựng NTM.

Cũng từ đây, vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM được phát huy, tạo động lực mạnh mẽ để nhân dân bàn bạc, quyết định, tìm ra cách làm hay, phù hợp với tình hình địa phương, rút ngắn thời gian cán đích.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Gia Viễn đã huy động được 6.206 tỷ đồng vào xây dựng NTM, trong đó vốn từ cộng đồng dân cư gần 2.396 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 38,5%. Từ các nguồn lực này, Gia Viễn đã đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Các tổ chức chính trị, đoàn thể như: Thanh niên, cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ đã tích cực tuyên truyền, huy động hội viên tham gia các phong trào: "Thắp sáng đường quê", "Dòng sông cựu chiến binh, "Xây dựng vườn mẫu", "Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật", "Đường hoa phụ nữ"... đã góp phần đáng kể vào việc chỉnh trang khu dân cư, vệ sinh môi trường, xây dựng NTM "xanh, sạch, đẹp".

 

Đường phố thị trấn Me ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Trường Giang

 

Cụ thể, làm mới 2.358 tuyến đường, tổng chiều dài gần 197km; kiên cố hóa 105 tuyến kênh mương (dài 94km), xây mới và nâng cấp 16 trạm bơm; lắp đặt thêm 161 trạm biến áp, làm mới, nâng cấp 161km đường dây điện trung - hạ thế, đảm bảo 100% số xã có hệ thống điện đạt chuẩn, 100% số hộ được sử dụng điện; đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh hệ thống trường học các cấp; xây mới, cải tạo, nâng cấp 158 nhà văn hóa thôn, xóm, 20 sân thể thao và nhà văn hóa xã…

Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chú ý đến chất lượng và chiều sâu các tiêu chí, Gia Viễn xác định khi xây dựng NTM phải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Công tác thu hút đầu tư luôn được huyện quan tâm chỉ đạo tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp Gia Vân, Gia Phú và Gia Lập. Với 47 cơ sở sản xuất công nghiệp, 1.257 cơ sở sản xuất, kinh doanh đã giải quyết việc làm cho 3.450 lao động trên địa bàn, với mức thu nhập bình quân từ 3- 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ đó, năm 2019, mức thu nhập bình quân toàn huyện đạt 45,1 triệu đồng/người. Công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng gắn với xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt; nhờ đó đã chuyển đổi 120 ha đất, hình thành những vùng sản xuất 4 vụ/năm, mang lại giá trị kinh tế trên 1 ha canh tác đạt 300 triệu đồng/năm.

Nhiều mô hình nhà lưới, trồng rau an toàn, trồng hoa ở các xã Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Phương, thị trấn Me, Liên Sơn cho thu nhập cao và ổn định.

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện đã chú trọng chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Gia Viễn cũng đang có phong trào nuôi cá trên ruộng trũng, nuôi trong ao đất và bán công nghiệp, với diện tích 2.246 ha, chiếm 45% diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi của cả tỉnh.

Hằng năm, ước tính tổng sản lượng ngành thủy sản của huyện đạt trên 5.000 tấn với giá trị gần 149 tỷ đồng. Gia Viễn hiện có 8 HTX thủy sản, với hàng trăm mô hình, trong đó đã có 25 trang trại nuôi thủy sản được cấp giấy chứng nhận. Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 46,7 triệu đồng/người, trong đó khu vực nông thôn đạt 45,9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,8%.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: