Thứ Năm, 02/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Nhiều giải pháp để đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2020

Thứ Tư, 02/12/2020

Vụ đông năm 2020, toàn tỉnh đặt mục tiêu gieo trồng khoảng 8 nghìn ha cây rau màu các loại, giá trị phấn đấu đạt trên 800 tỷ đồng.

Nhiều giải pháp để đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2020

Chăm sóc cây vụ đông tại thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh). Ảnh: Anh Tuấn

Tuy nhiên, những diễn biến thất thường của thời tiết, việc thiếu hụt nguồn lao động, thị trường tiêu thụ không ổn định… đang đe dọa đến mục tiêu trên. Nhiều giải pháp đã được ngành Nông nghiệp và các địa phương triển khai nhằm khắc phục khó khăn, đảm bảo diện tích theo kế hoạch.

Xã Khánh Hải, thủ phủ bí xanh của huyện Yên Khánh, mỗi năm vào vụ đông ở đây có trăm ha trồng bí xanh, sản lượng lên tới hàng nghìn tấn. Tuy nhiên, cơn bão số 7, kèm theo mưa lớn giữa tháng 10 vừa qua đã khiến 2/3 diện tích bí này bị hư hỏng. Trong khi đó bí xanh là loại cây ưa ấm, không thể khắc phục bằng việc trồng lại vì đã quá thời vụ. 

Ông Đoàn Văn Quốc, Chủ tịch HĐQT HTX Đông Mai, xã Khánh Hải cho biết: Sau trận lụt vừa qua, toàn xã chỉ còn giữ lại được 25 ha bí xanh. Những diện tích còn lại, chúng tôi vận động bà con chủ động chuyển sang trồng các cây rau màu ngắn ngày khác như: cà chua, ngô nếp, rau dưa các loại… Mục tiêu không để trống ruộng vì dự báo năm nay sản phẩm vụ đông sẽ tiêu thụ thuận lợi.

Tại thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh), hơn 70% diện tích cây vụ đông cũng đã bị ảnh hưởng bởi đợt mưa úng hồi đầu vụ. Tuy nhiên thời điểm này, trên khắp các cánh đồng, màu xanh đã trở lại, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất bởi với họ vụ đông là vụ cho thu nhập chính nên dù khó khăn đến mấy cũng phải khắc phục. 

Chân tay không chút ngơi nghỉ, bà Đinh Thị Tuyền ở xóm Thượng Đông tất bật vun xới trên cánh đồng nhuộm một màu xanh non. Đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, bà hồ hởi chia sẻ: giờ bọn trẻ đi làm công ty hết rồi, thành thử vợ chồng già phải thay phiên nhau quán xuyến việc đồng áng. Trên diện tích 2 sào, chúng tôi trồng luân phiên gối vụ, hết lạc xuân lại đến lúa mùa, rồi cây vụ đông. 

Đợt vừa rồi, mưa lụt, mất kha khá tiền giống vì toàn là những loại rau cao cấp, giá cao nhưng tôi vẫn phải khắc phục để trồng lại lần 2. Đám ruộng này nếu chăm bón cật lực thì chỉ 1,5-2 tháng nữa là có thể thu hoạch. Chỉ 2 sào ruộng này thôi nhưng nếu trúng giá thì có thể lãi tới 30 triệu đồng.

Chị Lê Thị Hoa, cán bộ khuyến nông thị trấn Yên Ninh cho biết: Làm vụ đông càng ngày càng bấp bênh nên nảy sinh tâm lý e ngại trong nhân dân. Đặc biệt, những năm gần đây, tốc độ phát triển công nghiệp mạnh mẽ đã thu hút một lượng lớn lao động vào các khu, cụm công nghiệp, dẫn đến thiếu lao động trong nông nghiệp. Để duy trì diện tích sản xuất, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất sớm, cụ thể sát với điều kiện tình hình thực tế. 

Riêng đối với cây rau và cây lấy quả, các loại phải dựa trên cơ sở đất đai, nhu cầu thị trường và kinh nghiệm canh tác để lựa chọn cho phù hợp. "Nhìn chợ để trồng cây", nghĩa là mặt hàng gì ở chợ còn thiếu, hoặc ít thì bà con sẽ trồng để bán. 

Chú trọng các loại rau cao cấp để tăng hiệu quả kinh tế, trồng làm nhiều lứa. Tính đến thời điểm hiện tại, thị trấn đã cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ đông với tổng diện tích đã gieo trồng khoảng 265 ha, trong đó chủ đạo là bí xanh, bí đỏ, khoai lang, cà chua, rau các loại … Đặc biệt, nhiều diện tích vụ đông của bà con đã cho thu hoạch rất khả quan.

Theo tổng hợp từ Sở Nông nghiệp & PTNT, đến ngày 18/11, toàn tỉnh gieo trồng được khoảng 6.000 ha cây vụ đông, trong đó ngô là gần 1.500 ha, lạc hơn 200 ha, khoai lang 432 ha, bí xanh 290 ha, trạch tả 50 ha, rau đậu các loại gần 3.500 ha… 

Để bảo đảm tiến độ, diện tích gieo trồng cây màu vụ đông đạt theo kế hoạch đề ra, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động mọi nguồn lực gieo trồng cây màu vụ đông ưa lạnh. 

Ưu tiên trồng các loại cây rau đậu, cây truyền thống có giá trị kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ như bí xanh, bí đỏ, hành, su hào, súp lơ… trồng lệch vụ, rải vụ nhằm tiêu thụ thuận lợi, cho hiệu quả kinh tế cao. 

Tận dụng mọi chân đất như: ngoài đồng, trong khu dân cư, trong vùng chuyển đổi để trồng cây màu vụ đông. áp dụng biện pháp làm bầu, làm đất tối thiểu đảm bảo khung thời vụ tốt nhất cho từng loại cây trồng; áp dụng màng phủ nilon giữ ẩm cho đất và hạn chế sâu bệnh... 

Các HTX nông nghiệp chủ động cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tổ chức việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân yên tâm phát triển sản xuất.  

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: