Thứ Năm, 02/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Những "hành trình" đến với nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ Hai, 16/11/2020

Không dừng lại ở những thành tích đã đạt được, Ninh Bình đã chủ động nâng cao chất lượng các tiêu chí tại xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), hướng tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Đến nay, Ninh Bình có 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu trong xây dựng NTM kiểu mẫu trong cả nước.

 

Đường giao thông xã Khánh Thiện được nhựa hóa.

Những cách làm hay

Xác định quan điểm xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm dừng và điểm kết thúc, Ninh Bình đã đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình điểm xây NTM kiểu mẫu. Năm 2017, trong khi Trung ương chưa ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, tỉnh đã ban hành Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND ngày 23/9/2017 về  Quy định tạm thời Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2017-2020 áp dụng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, để tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời lựa chọn mỗi huyện, thành phố 1 xã để thí điểm thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu. Bước đầu, mỗi năm các xã được tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng (chủ yếu củng cố nâng cấp nhà văn hóa thôn và tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp...) và thưởng 1 tỷ đồng/xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Các địa phương cũng có chính sách hỗ trợ thêm cho xây dựng NTM kiểu mẫu, ví dụ như huyện Yên Khánh thưởng 1 tỷ đồng/xã và 200 triệu đồng/thôn đạt chuẩn, hỗ trợ thêm kinh phí nâng cao chất lượng các tiêu chí. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 691/QĐ-TTg về tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2019 - 2020 thay thế  Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND.

Theo ông Trần Văn Hà, nguyên Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, xác định xây dựng NTM kiểu mẫu thực chất, bền vững, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo kiên trì, thực hiện hoàn thành từng nhiệm vụ, tiêu chí theo phương châm: "dễ làm trước, khó làm sau". Đồng thời đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; thường xuyên động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM kiểu mẫu. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, các địa phương đã tranh thủ và huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng NTM kiểu mẫu; thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, sự đóng góp của hợp tác xã, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tạo ra nguồn lực tổng hợp. Đặc biệt, các địa phương tích cực huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng NTM kiểu mẫu, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huy động tối đa nguồn lực để tạo đột phá; chú trọng đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân.

Kết quả đáng ghi nhận

Sau 2 năm triển khai Quyết định số 691/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020,  cả nước có 23 xã đạt chuẩn NTM  kiểu mẫu, trong đó tỉnh Ninh Bình đã có 8 xã đạt chuẩn (gồm Khánh Thiện, Yên Từ, Gia Vân, Khánh Thành, Đồng Phong, Yên Hòa, Quang Sơn, Ninh Giang). Điểm nổi bật của các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh là việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông: mặt đường trải nhựa, có vỉa hè, cây xanh, hoa tươi, rãnh thoát nước, điện chiếu sáng, tường rào xây trát vẽ tranh đồng quê; có biển chỉ dẫn giao thông; có thùng đựng rác công cộng; hệ thống đường dây điện, viễn thông gọn gàng... Nhà văn hóa thôn, khu thể thao được chỉnh trang có đủ thiết chế, lắp đặt dụng cụ luyện tập thể thao, câu lạc bộ văn nghệ, thể thao hoạt động thường xuyên.... Hệ thống trường học được đầu tư nâng cấp, có trường đạt chuẩn mức độ 2...  Điển hình như ở Khánh Thiện, xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn xây dựng NTM kiểu mẫu có nhà ở khang trang, sạch đẹp, điện, đường, trường, trạm được kiên cố hóa, đời sống nhân dân được nâng cao. Đường đã có tên, nhà đã có số, nhiều bức tường cũ mốc đã được làm mới bằng những tranh tường bức họa, trông rất đẹp mắt. Xã cũng tập trung phát triển khu vườn mẫu kinh tế, làng nghề bún bánh, chuyển đổi phát triển kinh tế trang trại, dịch vụ thương mại; mô hình cây cảnh, mô hình nuôi ốc nhồi... hiệu quả kinh tế cao.

Hay ở xã Đồng Phong đã thực sự khoác lên mình "chiếc áo mới" với hệ thống cơ sở vật chất khang trang, nhiều mô hình phát triển sản xuất, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi cá, trồng cây ăn quả hiệu quả gấp 7- 10 lần trồng lúa. Đặc biệt xã đã khai thác đánh thức tiềm năng địa phương như: biến bãi rác Phong Thành trở thành các trang trại nuôi gà lai Đông Tảo; biến đồng hoang hóa xung quang chân núi Cối 20 ha thành vùng nuôi cá thâm canh trù phú và cải tạo khu nhà máy... thuốc lá Thăng Long bỏ hoang thành xưởng may công nghiệp, biến chợ quê thành chợ đầu mối hoạt động nhộn nhịp.

Theo đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, Ninh Bình cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo đó, về nguồn vốn, các địa phương đã khai thác mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, nên kinh phí đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu của địa phương hạn chế. Việc huy động đóng góp của nhân dân, cá nhân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Một số cán bộ đảng viên và nhân dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về xây dựng NTM kiểu mẫu nên còn trông chờ, ỷ nại vào sự đầu tư của Nhà nước. Do vậy trong thời gian tới Ninh Bình sẽ tập trung khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng NTM kiểu mẫu, đảm bảo đi vào thực chất và hiệu quả.

Theo Baoninhbinh.org.vn

 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: