Thứ Năm, 02/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Nuôi vịt biển, hướng phát triển kinh tế ở vùng nước mặn Kim Sơn

Thứ Hai, 28/06/2021

Có kinh nghiệm nuôi vịt sinh sản đã vài chục năm nhưng chỉ từ năm 2018 đến nay, ông Trần Văn Mạnh, xã Văn Hải (huyện Kim Sơn) mới tìm được hướng phát triển kinh tế giúp cuộc sống của gia đình đổi mới hoàn toàn, đó là nuôi vịt biển sinh sản. Nhờ phát triển thành công mô hình nuôi vịt biển sinh sản, mỗi năm ông Mạnh có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Trứng vịt biển được Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên thu mua với giá ổn định.

Nói về quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất, ông Mạnh cho biết: Tận dụng nguồn nước sông ngay cạnh nhà, trước đây gia đình ông đã từng nuôi rất nhiều loại vịt, như: vịt cỏ, vịt bầu, vịt siêu trứng... Tuy nhiên các giống vịt này hay mắc các loại bệnh, tỷ lệ sống và hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2018, qua sách báo và xem Chương trình nhà nông làm giàu trên VTV, ông đã mạnh dạn tìm hiểu thực tế và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư nuôi 300 con vịt biển sinh sản. 

Giống vịt ông Mạnh nuôi là vịt biển Đại Xuyên hay còn gọi là vịt biển 15 do Viện Chăn nuôi Quốc gia tạo ra. Đây là giống vịt đầu tiên ở Việt Nam có thể sinh sống, phát triển trong môi trường biển; có thể uống được nước biển, tắm nước biển, tìm con mồi trên biển. Chúng có khả năng tự kiếm mồi, tận dụng các nguồn thức ăn tự nhiên rất tốt. Vịt biển cũng là giống kiêm dụng, vừa nuôi để lấy thịt vừa nuôi để lấy trứng. Đến nay, vịt biển Đại Xuyên đã được nuôi thành công ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Nhờ giống tốt, chăm sóc nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật và giữ gìn tốt vệ sinh môi trường, đặc biệt là khâu tiêm phòng đầy đủ nên đàn vịt biển của ông Mạnh phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Sau 1 năm chăn nuôi, Ông Mạnh thấy rằng vịt biển có rất nhiều ưu điểm như: khỏe mạnh, sức đề kháng cao, ít bị bệnh, có thể nuôi trên cạn, dưới nước và chịu nóng, lạnh tốt hơn rất nhiều so với các loại vịt trước đây ông từng nuôi, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. 

Vịt biển cũng dễ chăm sóc và tỉ lệ sống đạt trên 98%, chất lượng thịt và trứng cao hơn hẳn. Vịt có khả năng sinh trưởng nhanh, nuôi 2 tháng tuổi có thể đạt trọng lượng 2,5 kg. Đối với vịt đẻ, sau tầm 6 tháng tuổi vịt bắt đầu đẻ bói, năng suất trứng cao từ 240 - 245 quả/mái/năm, khối lượng trứng 80 - 85g/quả. Với hiệu quả mang lại, bước sang năm thứ 2 ông Mạnh tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất lên 1.000 con và hiện nay là 1.500 con vịt đẻ. 

Vịt biển dễ chăm sóc, sức đề kháng cao.

"Với 1.000 con vịt giống, gia đình tôi phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư giống, chuồng trại và thức ăn. Đối với nhà nông đây không phải là một khoản tiền nhỏ. Trong khi thời gian chăn nuôi lâu hơn bình thường. Nếu như giống vịt khác chỉ sau 4 tháng có thể đẻ bói thì vịt biển sau 6 tháng bắt đầu đẻ những quả trứng đầu tiên. Vì thế thời gian thu hồi vốn cũng lâu hơn. Nhưng đổi lại thời gian khai thác trứng dài hơn các loại vịt khác từ 2-3 tháng. 

Quả trứng to hơn và giá cao hơn so với các loại vịt thường, giá bình quân dao động từ 4.500 đồng đến 5.000 đồng/quả, gấp đôi so với trứng vịt khác. Trung bình mỗi ngày 1.500 con vịt biển đẻ từ 1.100-1.300 quả trứng. Những năm trước khi chưa bị tác đông bởi tình hình dịch COVID -19, vịt biển mang lại thu nhập từ 25-30 triệu đồng/tháng. Trong tình trạng khó khăn như hiện nay, giá trứng xuống thấp hơn, gia đình tôi vẫn có thu nhập trên, dưới chục triệu mỗi tháng. 

Điều đáng nói, mô hình có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên toàn bộ trứng được Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên về tận nơi thu mua với giá ổn định. Điều đó giúp người chăn nuôi như tôi luôn yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất. Nhờ nuôi vịt biển, kinh tế của gia đình tôi dần thay đổi, có tiền xây sửa nhà cửa khang trang và sắm đầy đủ các tiện nghi trong gia đình". Ông Mạnh chia sẻ.

Huyện Kim Sơn có điều kiện khí hậu thích hợp; có diện tích cửa sông, cửa biển, bãi bồi; nguồn thức ăn phong phú... để phát triển nghề nuôi vịt biển. Từ hiệu quả của mô hình đem lại, hiện nay không chỉ có ông Mạnh mà trên địa bàn huyện đã có 4 mô hình nuôi vịt biển quy mô hàng nghìn con. 

Với tiềm năng phát triển lớn đã mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho bà con khu vực có nguồn nước mặn, lợ của huyện Kim Sơn. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu, tình hình xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, gây ra nhiều thách thức cho người dân và sản xuất nông nghiệp. Việc triển khai mô hình nuôi vịt biển đang được xem là xu hướng mới đem đến cho người dân vùng bị nhiễm mặn thêm một lựa chọn sinh kế, cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: