Thứ Năm, 02/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Sôi nổi phong trào xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai, 21/09/2020

Phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" được triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp và nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân được phát huy có hiệu quả, nhờ đó đã tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

 

Diện mạo nông thôn mới huyện Gia Viễn. Ảnh: Trường Giang

 

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp, ngành và các địa phương trong tỉnh đã tập trung huy động nguồn lực, ưu tiên bố trí ngân sách cho xây dựng nông thôn mới và sử dụng hợp lý nguồn vốn, lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án để triển khai nhiều nội dung có hiệu quả. Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa rộng khắp, thu hút được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Từ đó, các địa phương đã ghi nhận, biểu dương hàng nghìn tấm gương điển hình đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền mặt, ngày công...để xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điển hình như ở thôn Trại Đanh, xã Yên Thành (huyện Yên Mô), gia đình bác Trần Thị Dền, đã tình nguyện hiến 3.500m2 đất 313 để xây dựng sân thể thao của thôn và các công trình phúc lợi của xã. Bác Dền chia sẻ: "Tôi nhận thấy xây dựng nông thôn mới không chỉ là việc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm của người dân. Việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi sẽ tạo thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân, thúc đẩy giao lưu văn hóa, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, cải thiện đời sống người dân, giúp người dân giảm nghèo.

Do vậy, năm 2017 khi xã, thôn có chủ trương vận động người dân hiến đất làm các công trình hạ tầng nông thôn mới, gia đình tôi đã hiến 1.000m2 đất 313 sát nhà văn hóa thôn Trại Đanh làm sân thể thao cho các cháu nhỏ vui chơi và hiến 2.500m2 đất 313 để xã xây dựng các công trình phúc lợi khác như đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xã..." Sự đóng góp tích cực của gia đình bác Trần Thị Dền đã tạo thêm sức lan tỏa, tác động lớn đến nhận thức của người dân thôn Trại Đanh nói riêng, xã Yên Thành nói chung trong xây dựng nông thôn mới. Từ sự chung sức, đồng lòng của người dân, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên và giúp Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

 

Diện mạo nông thôn mới xã Ninh An (Hoa Lư). Ảnh: Nguyễn Trường

 

Theo đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các tầng lớp nhân dân, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp đồng tình ủng hộ và đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp, thiết thực, hiệu quả. Xây dựng nông thôn mới đã đi theo hướng đảm bảo thực chất và bền vững, trong đó coi trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Hầu hết người dân đã nhận thức được rằng phải gắn lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu và tích cực trong việc góp công, góp của, hiến đất, phá cổng, dỡ tường rào để xây dựng các công trình nông thôn mới. Thực hiện Quyết định số 140-QĐ/TU ngày 01/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các xã có tính chất đặc thù đã nhận được sự giúp đỡ có hiệu quả, toàn diện từ các cơ quan, doanh nghiệp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Theo thống kê, trong những năm qua, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân đã ủng hộ, đóp góp số tiền trên 670 tỷ đồng và hơn 450.000 ngày công, hiến trên 1.185 ha đất và phá dỡ, di chuyển hàng nghìn công trình khác để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước đồng bộ, hiện đại.

Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng nhiệt tình tham gia, đóng góp tích cực giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu như: Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Thành Thắng Group, huyện Gia Viễn đã hỗ trợ cho xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn xây dựng nông thôn mới với tổng giá trị hỗ trợ là 42 tỷ đồng; Doanh nghiệp tư nhân Trường Lộc, huyện Hoa Lư đã hỗ trợ xây chợ Trường Yên với tổng giá trị hỗ trợ là 13,1 tỷ đồng; Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Hùng, huyện Kim Sơn hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn xã Ân Hòa với tổng giá trị là 7 tỷ đồng…

Nhờ huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh đã có 100/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 huyện (Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn) đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 52 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình dài hơi, có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc nên trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thi đua để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến mục tiêu người dân được hưởng ấm no, hạnh phúc.

Theo Baoninhbinh.org.vn

 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: