Thứ Bảy, 27/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Tìm hướng tiếp cận thị trường cho sản phẩm OCOP

Thứ Hai, 23/11/2020

Những năm qua, chương trình OCOP đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn của tỉnh theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình cũng là giải pháp quan trọng để các xã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị.

Tìm hướng tiếp cận thị trường cho sản phẩm OCOP

Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát là một trong 9 chủ thể đầu tiên của tỉnh được hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm OCOP.

Thời gian vừa qua, các sản phẩm OCOP của địa phương đã không ngừng nâng cao giá trị thương hiệu, dần khẳng định vị trí và giá trị đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, nhiều sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ ổn định, một số đã có thị trường xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. 

Năm 2019 tỉnh đã hỗ trợ xây dựng rất nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và tiến hành đánh giá, phân hạng, công nhận 12 sản phẩm OCOP cấp tỉnh thuộc 09 cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong đó có 10 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 3 sao. Những bộ sản phẩm được Hội đồng đánh giá rất cao bao gồm: bộ sản phẩm gốm Bồ Bát, bộ sản phẩm thêu ren truyền thống Minh Trang, bộ sản phẩm mỹ nghệ từ cói Thành Hóa v.v… 

Tiếp nối những kết quả trên, năm 2020 tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng sản phẩm OCOP, trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm đặc sản của địa phương: như nhóm chè, nhóm thực phẩm chế biến từ thủy sản, nhóm sản phẩm từ thịt, nhóm từ gạo, nhóm dược liệu và thảo dược, nhóm thủ công mỹ nghệ trang trí.

Đánh giá về tiềm năng sản phẩm OCOP của tỉnh, ông Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Ninh Bình là địa phương hội tụ đủ những điều kiện tiềm năng về tự nhiên, địa hình, văn hóa và con người cho sự phát triển các sản phẩm đặc trưng của nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay Ninh Bình có rất nhiều làng nghề truyền thống, các sản phẩm đặc trưng của địa phương được công nhận trên thị trường. 

Bên cạnh đó tỉnh đang từng bước phát triển thành trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, qua đó giá trị thương hiệu địa phương được nâng cao và nhất là thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế. 

Điều đáng nói là trên thị trường hiện nay đang rất cần những sản phẩm chất lượng cao, rõ nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm, để thay thế dần các sản phẩm có phẩm cấp thấp đang tràn lan.  

Theo số liệu thống kê, hàng năm thị trường bán lẻ hàng hóa tiêu dùng tăng trưởng bình quân 10%. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng tăng đồng thời những yêu cầu về chất lượng và an toàn đối với sản phẩm hàng hóa cũng nâng lên, đó là cơ hội lớn cho việc phát triển sản phẩm OCOP địa phương.

Để nhanh chóng đưa các sản phẩm nông nghiệp trở thành một loại hình hàng hóa thế mạnh của tỉnh, góp phần phát triển du lịch nông nghiệp, tỉnh đã có chủ trương, chính sách tập trung khuyến khích và hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Bao gồm các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiếp cận thị trường và xúc tiến thương mại. Việc tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP được lồng ghép với chương trình khuyến công, chương trình phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, chương trình xúc tiến thương mại. 

Một số hoạt động cụ thể được ngành Công thương triển khai bao gồm: Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; xây dựng điểm bán hàng Việt bền vững; Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và Chương trình xúc tiến thương mại địa phương được thực hiện hàng năm, hỗ trợ doanh nghiệp cơ sở kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại... Qua đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thụ hưởng và phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh từ các chương trình hỗ trợ nêu trên.

Bên cạnh những thuận lợi trên, sản phẩm OCOP địa phương cũng đứng trước nhiều thách thức trong đó, thách thức lớn nhất là vấn đề tiếp cận thị trường cho sản phẩm. Ngoài một số sản phẩm có được kênh tiêu thụ ổn định, hầu hết các sản phẩm, nhất là sản phẩm mới đều rất lúng túng trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong khi sản phẩm mới phải cạnh tranh khốc liệt với những sản phẩm tương tự đã có trên thị trường để có được chỗ đứng trong các kênh phân phối ổn định, tham gia vào chuỗi giá trị. 

Theo số liệu của ngành Công thương, có tới 90% lượng nông sản tiêu thụ trên thị trường là thông qua các kênh tiêu thụ truyền thống không có liên kết, không qua hợp đồng, tỷ lệ hình thành các kênh tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ người sản xuất với doanh nghiệp còn chiếm tỷ lệ thấp. 

Trong một số kênh tiêu thụ nông sản theo chuỗi đã hình thành, việc liên kết cũng rất lỏng lẻo. Ngoài ra, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới, vừa tạo cơ hội cho sản phẩm Việt tiếp cận thị trường nước ngoài, nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn ngay tại thị trường nội địa với hàng hóa ngoại nhập. 

Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, phát triển mạng lưới thương mại, ngành Công thương đang tích cực triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND mục tiêu nhằm làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết nhằm tạo lập và phát triển thị trường trong nước bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển thương mại nông thôn miền núi. Đồng thời, xây dựng một số mô hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, như "mô hình điểm giới thiệu sản phẩm OCOP Ninh Bình; mô hình xây dựng hệ thống phân phối và tiêu thụ nông sản". 

Trong khi sức mạnh thị trường của sản phẩm địa phương còn yếu, tiềm lực kinh tế của các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ thì việc phát huy tối đa yếu tố đặc trưng vùng miền, gắn với văn hóa bản địa sẽ là hướng đi hiệu quả cho sản phẩm OCOP địa phương.

Với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự tích cực của cơ quan quản lý và đặc biệt là sự nỗ lực của cơ sở sản xuất kinh doanh, tin tưởng rằng sản phẩm OCOP Ninh Bình sẽ dần hình thành được các mối liên kết, các kênh tiêu thụ nông sản ổn định, xây dựng nên thương hiệu góp phần gia tăng giá trị của sản phẩm công nghiệp nông thôn. 

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: