Thứ Ba, 12/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Để nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, hữu cơ, chất lượng cao

Thứ Sáu, 16/10/2020

Nằm ở cực Nam của đồng bằng sông Hồng, có địa thế "tụ sơn, tích thủy", Ninh Bình hội tụ 3 kiểu địa hình: vùng đồi núi - bán sơn địa, vùng đồng bằng và vùng ven biển. Ninh Bình có truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời mặc dù quy mô diện tích và dân số không lớn nhưng có lợi thế để phát triển một nền nông nghiệp đặc hữu.

Mô hình lúa bắc thơm 7 và TBR 225 kháng bạc lá tại HTX Thượng Kiệm (Kim Sơn). Ảnh: Anh Tuấn

Tỉnh ta luôn xác định nông nghiệp - nông dân - nông thôn là lĩnh vực quan trọng hàng đầu. Ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh cũng đã ban hành các nghị quyết, đề án định hướng, chính sách, nguồn lực hỗ trợ phát triển ngành, trọng tâm là Nghị quyết số 03 - NQ/TU ngày 16/01/2012 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới (NTM); Nghị quyết số 05 - NQ/TU ngày 24/10/2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1111/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020… 

Những chủ trương, chính sách này đã được hiện thực hóa sinh động trong thực tiễn, làm nên bức tranh với nhiều gam màu sáng cho ngành Nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và giá trị. Tốc độ tăng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt 2,02%/năm, hoàn thành mục tiêu Đại hội (2,0%/năm). Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được củng cố, tăng cường. 

Trồng trọt phát triển ổn định; năng suất, chất lượng lúa tăng lên, diện tích trồng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao tiếp tục mở rộng, an ninh lương thực được đảm bảo. Năm 2020, diện tích lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 70% tổng diện tích gieo cấy, tăng 27,6%, năng suất lúa bình quân đạt 60,8 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với năm 2015; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 135 triệu đồng/ha, tăng 27 triệu đồng so với năm 2015, vượt 3,9% so với mục tiêu Đại hội (130 triệu đồng/ha). Chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, từng bước áp dụng hình thức sản xuất gia trại, trang trại theo hướng hiện đại, quy mô lớn hiệu quả. Thủy sản phát triển mạnh về diện tích, năng suất và giá trị; hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh, hiệu quả cao; diện tích nuôi trồng thủy sản 13.920 ha, tăng 3.000 ha với tổng sản lượng thủy, hải sản ước đạt 60.700 tấn, tăng 18.900 tấn so với năm 2015. Sản xuất lâm nghiệp duy trì ổn định, thường xuyên thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên. 

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng; chưa hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô đủ lớn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; kết quả xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa thực sự bền vững, nhất là nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác quản lý và phát triển kinh tế vùng ven biển còn hạn chế. 

Thời gian tới, Ninh Bình cần phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, hữu cơ, chất lượng cao giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, gắn với phát triển du lịch nhưng vẫn chú trọng đảm bảo mục tiêu "tam nông". Để hiện thực hóa được mục tiêu đó, đưa phát triển nông nghiệp trở thành một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, trước hết cần thực hiện hiệu quả chương trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đặc hữu hướng tới phục vụ du lịch, trong đó tập trung vào các sản phẩm có tính đột phá, hiệu quả cao; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; phát huy vai trò kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế hộ, xây dựng nông thôn mới; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tập trung quy hoạch vùng sản xuất gắn với bố trí cơ cấu, diện tích các loại cây trồng con nuôi phù hợp; quy hoạch, chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với lợi thế từng vùng; quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng ven biển; kiểm soát, khai thác tài nguyên biển gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng; phát triển du lịch, dịch vụ sinh thái ven biển, nuôi trồng khai thác hải sản vùng nước ven bờ và đánh bắt xa bờ; xây dựng khu công nghiệp tạo điểm nhấn về vùng kinh tế năng động, phát triển đô thị, trung tâm du lịch sinh thái ven biển huyện Kim Sơn. 

Đặc biệt, phải phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm chủ lực theo vùng sinh thái, đặc trưng phục vụ du lịch; xây dựng và thực hiện các dự án liên kết theo chuỗi giá trị, giải quyết các vấn đề chủ yếu trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống; phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức dịch vụ nông nghiệp; tạo điều kiện để tập trung đất nông nghiệp, hình thành sản xuất lớn, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… 

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: