Thứ Sáu, 26/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Sản phẩm OCOP - Điểm cộng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ Ba, 06/09/2022

Những năm qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn của tỉnh theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình cũng là giải pháp quan trọng để các xã hoàn thành, nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới các mức.

Sản phẩm "Trà Sen Cố Đô" (xếp hạng 4 sao năm 2021) - nhóm thực phẩm, quà tặng du lịch, đang được Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Ninh Thắng (Hoa Lư) tiếp tục sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Được biết, trên nguyên tắc không làm phát sinh bộ máy quản lý, tổ chức bộ máy Chương trình OCOP tỉnh Ninh Bình ở cấp tỉnh là Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) tỉnh Ninh Bình với cơ quan thường trực là Sở Nông nghiệp và PTNT. Chỉ đạo Chương trình OCOP cấp huyện là Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG cấp huyện và ở cấp xã bố trí cán bộ chuyên trách nông thôn mới (NTM) kiêm nhiệm Chương trình. 

Để phổ biến nội dung và bàn giải pháp thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, từ năm 2018 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức 8 hội nghị tập huấn với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; chủ thể sản xuất, đơn vị tư vấn. 

Năm 2020, các huyện, thành phố đã tổ chức 8 lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã và chủ thể sản xuất về mục tiêu, nội dung hoạt động của Chương trình. Đồng thời hỗ trợ các chủ thể sản xuất hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, xây dựng các website, trang liên kết để truyền thông, quảng bá sản phẩm. 

Từ năm 2019 đến 2021, Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá, phân hạng cho 54 sản phẩm. Riêng năm 2021, có 20 chủ thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh được Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá, phân hạng cho 28 sản phẩm (vượt 16,7% so với kế hoạch ban đầu). 

Đồng chí Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng OCOP cấp tỉnh nhận xét: Nhờ làm tốt công tác tư vấn xây dựng sản phẩm OCOP từ cơ sở, sát với các tiêu chí theo Quyết định 1048, ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ nên các sản phẩm ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã bao bì đẹp, chất lượng sản phẩm tốt và đều là những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương. 

Tuy nhiên các chủ thể cần hoàn thiện chất lượng các sản phẩm, nâng cấp quy trình công nghệ, hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần giữ vững và nâng hạng sao theo chuẩn OCOP trong tương lai. Đặc biệt, những năm tiếp theo, Chương trình là giải pháp quan trọng để các xã hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. 

Theo kế hoạch đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 3% đạt sản phẩm 5 sao. Được biết, thời gian qua tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức. 

Từ năm 2018 đến nay, các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã có mặt ở gần 10 hội chợ, triển lãm tại các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên; tham gia triển lãm sản phẩm trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới khu vực Bắc Trung Bộ (tại Nghệ An) và toàn quốc (tại Nam Định); sản phẩm tiềm năng tại 4 hội chợ OCOP ở các địa phương, như: Quảng Ninh, Hà Nội, Lào Cai, Lâm Đồng… 

Thông qua các hội chợ, triển lãm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã quảng bá, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Ninh Bình tới bạn bè trong và ngoài tỉnh. 

Những sản phẩm, bộ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thếở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị được Hội đồng OCOP tỉnh đánh giá rất cao, bao gồm: bộ sản phẩm gốm Bồ Bát, sản phẩm thêu ren truyền thống Minh Trang, sản phẩm mỹ nghệ từ cói Thành Hóa, sản phẩm "Trà Sen cố Đô", "Na trái vụ Phú Long" … 

Trong đó, năm 2021 có 4 sản phẩm được đề cử đạt 5 sao OCOP quốc gia, như: "Chăn chần pháo hoa" và "Chăn thêu rua thắt ren" của Công ty TNHH Thêu ren Mặt trời Xanh (huyện Hoa Lư), sản phẩm "Ngô ngọt nguyên hạt ASIA Home" và "Dứa khoanh đóng hộp" của Công ty Thực phẩm Á Châu (thành phố Tam Điệp). 

Tuy nhiên, Chương trình OCOP vẫn có những khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Hệ thống bộ máy tổ chức Chương trình ở cấp tỉnh, huyện và ở xã là kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành, tham mưu triển khai thực hiện. 

Mặc dù, mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND, quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. 

Tuy nhiên, quy định về hỗ trợ cho các sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên chỉ ở mức từ 75-100 triệu đồng/ sản phẩm, chưa khuyến khích được chủ thể sản xuất tham gia tích cực. 

Đặc biệt, các xã thực hiện xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu cũng cần sự quan tâm hơn nữa để phát triển Chương trình OCOP trên địa bàn. 

Bài, ảnh: Minh Đường/baoninhbinh.org.vn

https://baoninhbinh.org.vn/san-pham-ocop-diem-cong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-nang/d20220830080425906.htm

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: