Thứ Bảy, 27/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp

Thứ Năm, 17/02/2022

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, việc xây dựng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hiện nay đang là xu thế tất yếu.

Mô hình nông nghiệp thông minh trong sản xuất rau an toàn tại Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ xanh. Ảnh: Trường Giang

Nghị định số 98/2018/NĐ- CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thì: Liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 194/QĐ-TTg về Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu chung của Đề án là hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường.

Trong những năm gần đây, việc thực hiện hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh bước đầu đã có những kết quả nhất định. Toàn tỉnh có 74 chuỗi liên kết, trong đó có 46 chuỗi trồng trọt, 20 chuỗi chăn nuôi và 8 chuỗi  thủy sản. Tổng diện tích liên kết hàng năm là 2.756,5 ha với 122.283 tấn sản phẩm đã được cung ứng thông qua các hợp đồng liên kết, giá trị ước đạt 641,1 triệu đồng.

Tuy nhiên, mức độ phổ biến liên kết ở các đối tượng sản xuất nông nghiệp trong tỉnh có sự khác nhau. Các mối liên kết này đang gặp rất nhiều khó khăn do tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, khó khăn trong tồn trữ và bảo quản, đầu ra bấp bênh... nên một số hình thức liên kết đã gãy vỡ. Hiện trên địa bàn tỉnh ta có ba hình thức liên kết chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp với HTX/ Tổ hợp tác và hộ nông dân; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX/Tổ hợp tác và hộ nông dân; liên kết chuỗi giá trị khép kín.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các mô hình liên kết cũng gặp một số khó khăn nhất định do quy mô đất đai của hộ nông dân nhỏ lẻ ảnh hưởng đến khả năng thu hút doanh nghiệp vào liên kết với các hộ nông dân để hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn, có thể đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tối đa hóa hiệu quả sản xuất sản  phẩm nông, lâm, thủy sản. Hệ thống HTX/Tổ hợp tác phát triển còn hạn chế, khó khăn.

Các tổ chức đại diện của nông dân là các HTX/Tổ hợp tác có đủ năng lực để tổ chức cho người sản xuất liên kết được với doanh nghiệp còn rất thiếu. Thị trường nông sản biến động mạnh, ngày càng trở nên bấp bênh, không ổn định do dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cộng với sự hạn chế của cả phía doanh nghiệp và người nông dân là những cản trở không nhỏ đối với quá trình xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết ở quy mô lớn và dài hạn.

Mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh ta là phát triển kinh tế nông nghiệp phải phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp cả nước, phát triển kinh tế nông nghiệp theo lợi thế từng tiểu vùng sinh thái, theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp an toàn, theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đặc hữu, sản phẩm OCOP của tỉnh; lấy khoa học công nghệ làm nền tảng, động lực then chốt để phát triển sản xuất. Tập trung phát triển nông nghiệp  theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, phát triển công nghiệp chế biến quy mô phù hợp (đặc biệt là chế biến sâu, chế biến công nghệ cao), bảo quản gắn với thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; gắn kết với phát triển du lịch sinh thái cảnh quan, trải nghiệm và du lịch cộng đồng; trên cơ sở tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 gắn với kinh tế số, chuyển đổi số để kết nối vùng sản xuất với chế biến và thị trường.

Để đạt mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị cần thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua việc tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nông dân dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, gia trại sản xuất quy mô lớn, gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Nhà nước cần hỗ trợ phát triển các HTX nông nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các HTX để các HTX nông nghiệp mạnh, đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.

Theo đó, các chính sách của Nhà nước cần tập trung vào đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX về kỹ năng quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường; hỗ trợ HTX tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Khuyến khích, đẩy mạnh áp dụng thực hiện phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) vào liên kết. Nên thực hiện PPP trong phát triển liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao. Việc thực hiện PPP nhằm tăng tính cam kết, trách nhiệm của Nhà nước với doanh nghiệp và người dân, tránh cơ chế xin cho và đảm bảo niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư vào thực hiện liên kết.

Như vậy, quản lý, tổ chức và thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi là trách nhiệm của tất cả các chủ thể tham gia trực tiếp trong chuỗi giá trị, không phải chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Sản xuất theo chuỗi giá trị góp phần phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, bảo vệ thương hiệu và quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bền vững.

Theo Baoninhbinh.org.vn

 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: