Chăm sóc lúa mùa ở xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn.
Theo kế hoạch, vụ mùa năm 2020, huyện Gia Viễn gieo cấy 2.500 ha lúa mùa và 415 ha cây màu. Do vụ mùa thường khó khăn về thời tiết, thiên tai và dịch hại nên 75% diện tích là trà mùa trung, trong đó lúa lai chiếm 30% diện tích, còn lại là lúa thuần.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Để đảm bảo vụ mùa có năng suất tốt, huyện đã chỉ đạo các xã, HTX làm tốt các khâu dịch vụ như đảm bảo tưới tiêu, diệt chuột, phòng trừ dịch hại.
Ngay từ đầu vụ mùa, UBND huyện tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm để các đại biểu thảo luận về khung thời vụ sản xuất, việc bố trí trà lúa, giống lúa, các biện pháp diệt chuột và đưa ra các giải pháp để thực hiện có hiệu quả kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2020, đặc biệt là các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân không bỏ ruộng mà chuyển đổi sang nuôi cá, thủy cầm ngắn ngày trên những chân ruộng trũng đảm bảo thu nhập trên một đơn vị canh tác.
Đồng chí Bùi Trọng Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hưng cho biết: Đến nay, Gia Hưng cấy xong toàn bộ 160 ha lúa mùa. Trong đó, qua công tác tuyên truyền không có tình trạng bỏ ruộng, xã vẫn tổ chức cấy được 25 ha lúa ngoài đê (vùng có đê bao lợi hà).
Đến nay, diện tích này đã lên xanh tốt, đang được chăm sóc, theo dõi chuột phá, dịch bệnh để sớm có biện pháp bảo vệ. Khác với xã Gia Hưng chủ yếu gieo mạ được thì ở xã Gia Thanh nông dân chủ yếu áp dụng biện pháp gieo thẳng, với tỷ lệ 100%.
Đồng chí Đinh Duy Thọ, Chủ tịch UBND xã Gia Thanh chia sẻ: Xã có 2 HTX nông nghiệp, HTX Thượng Hòa có 126 ha và HTX Phương Đông có 145 ha, tất cả lúa vụ mùa đều được xã viên gieo thẳng, nhờ đó, thời gian xuống đồng vụ mùa rất ngắn. Chỉ trong gần 10 ngày ra đồng, các thôn, đội sản xuất nông nghiệp đã thực hiện cơ bản việc xuống giống lúa mùa.
Các xã như Gia Xuân, Gia Vân, Gia Tân tùy theo điều kiện tự nhiên cân đối diện tích gieo thẳng hay cấy truyền thống. Diện tích chân vàn cao, chủ động được nguồn nước thì tổ chức gieo thẳng, còn diện tích trũng gieo mạ dược, cấy truyền thống.
Được biết, ở vụ này, huyện đã triển khai mô hình "Thí điểm sản xuất lúa thương phẩm HG12 và HN6" tại HTX Thống Nhất (xã Gia Hòa), bằng phương pháp gieo thẳng, đến nay lúa sinh trưởng khá tốt. Các xã vùng hữu sông Hoàng Long, như xã Gia Lạc, Gia Phong, Gia Minh vụ mùa này còn rất ít diện tích lúa mùa.
Cụ thể như ở HTX Mai Sơn (xã Gia Lạc) trước đây có 59 ha lúa mùa, vụ này chuyển sang nuôi thủy sản ngắn ngày 35 ha, diện tích còn lại làm lúa tái sinh (lúa chét) và đã có 20 ha cho thu hoạch, năng suất ước đạt 70 kg/sào. Sau gặt lúa chét, diện tích này được các hộ xã viên nuôi thủy cầm, hoặc tiếp tục thả cá rô ngắn ngày, cho thu hoạch vào dịp cuối năm.
Đến thời điểm này, Gia Viễn đã có trên 2.100 ha lúa mùa được gieo cấy, đạt trên 85% diện tích kế hoạch. Cùng với đó, cán bộ các thôn, đội sản xuất nông nghiệp tích cực ra đồng, theo dõi các đối tượng dịch hại có nguy cơ phá hại mùa màng.
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phát hiện rầy các loại xuất hiện rải rác, nơi cao từ 1- 3 con/m2. ốc bươu vàng xuất hiện, nơi cao từ 1-2 con/m2; chuột hại cục bộ, nơi cao 0,2- 0,3% số rảnh.
Đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã diệt được 4.000 con chuột bằng phương pháp thủ công, cấp phát 175 kg thuốc hóa học để diệt chuột. Gia Viễn luôn theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động các điều kiện vật tư, nhân lực phòng chống lụt bão, đặc biệt là chống úng cho lúa mùa đầu vụ.
Bởi, với địa hình tự nhiên rất khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, mỗi khi có mưa lớn, bão lũ xảy ra, huyện Gia Viễn luôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: