Thứ Hai, 14/10/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

Thứ Ba, 27/02/2024

Chiều 30/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".

Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ban, ngành đối thoại với nông dân. (Ảnh: nhandan.vn)

Dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan cùng trên 70 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10 triệu hộ hội viên nông dân trên cả nước. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Dự tại điểm cầu Ninh Bình có lãnh đạo một số sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương, Hội Nông dân các cấp và đại diện các hộ nông dân, Hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Tại hội nghị, đã có nhiều câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của hội viên nông dân với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Trong đó, tập trung vào 6 nhóm vấn đề trọng tâm: Mong muốn Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023; tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên triển khai như phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị.

Quan tâm thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". 

Hội viên nông dân cũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhiều ý kiến, kiến nghị đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai có hiệu quả các đề án về canh tác cà phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững. Đồng thời, có giải pháp, chính sách trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh và ngày càng hình thành nhiều miền quê đáng sống. 

Quan tâm tạo điều kiện giải quyết, chăm lo đời sống, an sinh xã hội cho người nông dân như: Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp…

Tất cả các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của hội viên nông dân tại hội nghị đã được lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng trả lời; được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trao đổi làm rõ thêm các vấn đề và có những chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết nhu cầu chính đáng để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Phát biểu kết luận tại hội nghị đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa nhiều vấn đề lớn, tầm chiến lược về nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo các Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023- 2028 vừa qua. Đồng thời, Thủ tướng khẳng định những đóng góp của ngành nông nghiệp, nông thôn và nông dân đối với sự phát triển kinh tế của đất nước thời gian qua.

Chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và vị thế chính trị của nông dân Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế; nâng cao ý chí quyết tâm, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện khát vọng làm giàu, góp phần phát triển nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững và nông dân thật sự có đời sống ấm no, hạnh phúc. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong nông dân, nhất là phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", tạo động lực cho nông dân thể hiện khả năng, phát triển kinh tế. 

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp thông minh, sạch và an toàn; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ; tích cực hội nhập quốc tế; đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn người dân tích cực tham gia triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". 

Tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp, quán triệt phương châm "Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau". Nhận thức đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân. Phối hợp tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế. Tập trung triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới...

Nguồn tin bài, ảnh: Kiều Ân - Đức Lam

https://baoninhbinh.org.vn/thu-tuong-chinh-phu-doi-thoai-voi-nong-dan/d20231230194943489.htm

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: