Ngày 9/10, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2023.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại hội nghị.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của tình hình thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, biến động của giá cả thị trường, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Về trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh ước đạt 91,38 nghìn ha. Trong đó, cây lúa là gần 70,8 nghìn ha, năng suất bình quân ước đạt 62 tạ/ha (cao hơn 0,2 tạ/ha so với năm 2022). Điều đáng mừng là diện tích lúa đặc sản, lúa nếp, lúa chất lượng cao tiếp tục được mở rộng lên 54,5 nghìn ha, đạt 77% tổng diện tích; diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ đạt 2,46 nghìn ha, tập trung ở các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư với các giống lúa mang thương hiệu Ninh Bình như Nếp hạt cau, Nếp hương, Hương Bình... Các cây trồng khác như ngô, khoai lang, rau đậu các loại hầu hết đều đạt năng suất, sản lượng cao hơn so với cùng kỳ.
Thực hiện Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, năm 2023 toàn tỉnh tiếp tục tăng cường hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp từ các khâu gieo cấy, thu hoạch và sơ chế biến... Qua đó, góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp và làm tăng cao giá trị sản xuất ngành dịch vụ nông nghiệp.
Đối với hoạt động chăn nuôi, trong những tháng đầu năm vẫn gặp một số khó khăn do dịch bệnh, giá thức ăn ở mức cao và biến động thị trường. Tuy nhiên, từ quý III/2023, dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá thịt lợn hơi và các sản phẩm chăn nuôi khác tương đối cao đã tạo điều kiện cho người dân khôi phục, tái đàn sản xuất. Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Thủy sản tiếp tục duy trì và phát triển ổn định. Tổng sản lượng ước đạt 55.573,4 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Việc sản xuất giống nhuyễn thể (ngao, hàu) có năng suất và sản lượng đều tăng do các điều kiện môi trường phù hợp, thị trường tiêu thụ ổn định.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, toàn tỉnh có 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM; 119/119 xã đạt chuẩn NTM; 33/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt tỷ lệ 27,7%), 15/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 12,6%); có 396 thôn (xóm, bản) được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 2 huyện Yên Khánh và Hoa Lư đã hoàn thiện hồ sơ tự đánh giá kết quả huyện NTM nâng cao (đạt tỷ lệ 27,7%).
Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đến nay, toàn tỉnh có 148 sản phẩm được công nhận OCOP của 100 chủ thể, trong đó có 80 sản phẩm 3 sao, 68 sản phẩm 4 sao.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của cả năm, 3 tháng cuối năm, ngành Nông nghiệp tập trung vào các nhiệm vụ: Bảo vệ và thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa Mùa. Phát triển sản xuất vụ Đông theo hướng mở rộng các vùng chuyên canh tạo ra các sản phẩm cây trồng an toàn có giá trị kinh tế cao, có đầu ra ổn định.
Bên cạnh đó, tăng cường bám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại chính trên các cây trồng. Chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các biện pháp phòng, chống, khống chế bệnh trên gia súc, gia cầm, đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm.
Ngoài ra, thực hiện tốt việc kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ theo kế hoạch năm 2023. Tăng cường công tác quản lý khai thác và sử dụng các trạm cấp nước nông thôn, thí điểm xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn tập trung quy mô cụm dân cư.
Nguồn: Báo Ninh Bình
https://baoninhbinh.org.vn/so-nong-nghiep-va-ptnt-so-ket-cong-tac-9-thang-dau-nam/d20231009165343540.htm
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: