Gia đình ông Bùi Đức Thịnh, thôn Hoàng Quyển, xã Gia Hòa (Gia Viễn) đầu tư xây 4 mẫu ao nổi nuôi cá, mỗi năm thu 50 - 60 tấn cá các loại. Ảnh: Minh Đường
Để triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Gia Viễn xác định phải tiến hành công tác quy hoạch, trong đó ưu tiên quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng; đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Theo đó, huyện tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp một cách đồng bộ giữa trồng trọt và chăn nuôi. Mục tiêu lớn mà Gia Viễn hướng đến là phát triển cơ cấu sản xuất và tổ chức sản xuất một cách hiệu quả để làm thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ của người dân.
Nhằm khắc phục những hạn chế trong tiếp thu, ứng dụng tiến bộ KHKT, Gia Viễn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến khoa học kỹ thuật cho nông dân bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên hệ thống đài thanh; thường xuyên tổ chức hội nghị chuyển giao khoa học kỹ thuật tới bà con nông dân. Do vậy, trình độ canh tác của nông dân đã có sự phát triển nhanh; cơ cấu cây trồng dịch chuyển đúng hướng; nông dân thích ứng, tiếp cận nhanh với những mô hình mới như: sản xuất giống lúa chất lượng cao; xây dựng cánh đồng mẫu lớn; đưa cơ giới hóa vào sản xuất; hiện đại hóa khâu thu hoạch và bao tiêu sản phẩm... Đến nay đã thực hiện cơ giới hóa 100% diện tích đất được làm bằng máy, trên 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy, chủ động tưới tiêu 100% diện tích canh tác...
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, khắc phục những khó khăn, bất cập trước đây, huyện Gia Viễn đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, chuyển đổi diện tích trồng lúa, trồng cây màu kém hiệu quả sang các mô hình đa canh. Riêng đối với cây màu, huyện chú trọng thâm canh cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, phù hợp với tập quán canh tác và thổ nhưỡng của địa phương như dưa chuột, dưa bở, dưa lê, cà chua... Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi 2.245,5 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi thâm canh; chuyển đổi 135 ha cây màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như bưởi, mít, ổi... cho thu nhập từ 350-500 triệu đồng/ha/năm. Việc quy hoạch vùng trồng và tiến hành dồn điền, đổi thửa cũng giúp huyện phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo hướng bền vững, an toàn. Hiện trên địa bàn đã hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi như: Mô hình nhà lưới, rau an toàn, vùng sản xuất 4 vụ/năm, tổng diện tích từ 80-120 ha/năm, đem lại giá trị canh tác trên 300 triệu đồng/ha/năm; phát triển chăn nuôi tập trung tại các trang trại, gia trại đảm bảo an toàn sinh học.
Trong lĩnh vực thủy sản, Gia Viễn tập trung tái cơ cấu theo hướng lấy trọng tâm là nuôi thủy sản vùng ruộng trũng với phương thức thâm canh và bán thâm canh. Các địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như nuôi ao nổi, sử dụng chế phẩm sinh học, sử dụng quạt nước, máy sục khí để tạo ôxy; sử dụng máy cho ăn… Cùng với đó, huyện triển khai một số mô hình nuôi trồng thủy sản để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng như: Mô hình "Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa và an toàn sinh học" với diện tích 6 ha tại các xã Gia Phương, Gia Hòa và Liên Sơn; mô hình "Thử nghiệm nuôi cá chạch sụn" với diện tích 0,25 ha tại xã Gia Phương; mô hình "Nuôi ốc nhồi thương phẩm an toàn sinh học" với diện tích 1,5 ha tại xã Gia Lập... Từ các hoạt động trên đã giúp nông dân thay đổi tập quán nuôi trồng theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, diện tích và sản lượng nuôi thủy sản tăng mạnh. Nếu như năm 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện mới chỉ đạt khoảng 1.596 ha, sản lượng đạt khoảng 3.357 tấn thì đến nay toàn huyện đã có trên 2.245 ha nuôi trồng với tổng sản lượng đạt trên 5.058,4 tấn; giá trị sản xuất ước đạt 148,75 tỷ đồng/năm (tăng 27,7% so với năm 2018).
Trong lĩnh vực chăn nuôi, từ chỗ chỉ nuôi nhỏ lẻ tại các hộ, đến nay đã chuyển dịch theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại công nghiệp. Toàn huyện có 16 trang trại chăn nuôi được cấp Giấy chứng nhận trang trại. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được tăng cường áp dụng vào sản xuất; dịch bệnh được kiểm soát, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay Gia Viễn đã đạt kết quả khá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện đạt 828,6 tỷ đồng; giá trị sản xuất bình quân đạt 130 triệu/ha, tăng 62,8 triệu đồng so với năm 2011. Những kết quả đã đạt được thời gian qua là tiền đề quan trọng để Gia Viễn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển sản xuất nông nghiệp nhanh và bền vững thời gian tới.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: