Thứ Ba, 12/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Lúa đông xuân được mùa trên diện rộng

Thứ Ba, 01/06/2021

Những ngày này, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tập trung thu hoạch lúa đông xuân. Nhờ gieo cấy đúng khung thời vụ, làm tốt khâu dự báo, phòng trừ sâu bệnh và đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên vụ lúa đông xuân được mùa trên diện rộng.

Lúa đông xuân được mùa trên diện rộng

Thu hoạch lúa đông xuân tại xã Khánh Cư (Yên Khánh). Ảnh: Anh Tuấn

Trên khắp các xứ đồng của huyện Yên Khánh, bà con nông dân đang hối hả thu hoạch những ruộng lúa chín vàng óng. Ông Phạm Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Vụ đông xuân năm nay, trên địa bàn xã canh tác 600 ha lúa, chủ yếu là các giống thuần có chất lượng tốt như Bắc Thơm số 7, LT2, Nếp, ST25… 

Khoảng một tuần nay, toàn xã có không dưới 20 máy gặt đập liên hợp tham gia thu hoạch nên tiến độ rất nhanh, dự kiến chỉ 2-3 ngày nữa là gặt xong, sớm giải phóng đất chuẩn bị cho việc gieo cấy vụ mùa. Theo thống kê sơ bộ, vụ này năng suất lúa bình quân của xã đạt khoảng 58 tạ/ha, cao hơn so với vụ đông xuân năm trước.

Không riêng gì Khánh Nhạc, các xã, thị trấn khác của huyện Yên Khánh cũng thắng lớn trong vụ này. Ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Vụ đông xuân 2020-2021, công tác chỉ đạo thời vụ trên địa bàn được các xã, HTX chỉ đạo sát sao, việc gieo cấy diễn ra nhanh gọn, hoàn thành trước Tết Nguyên đán nên lúa trỗ bông đúng thời điểm, bông to, tỷ lệ hạt chắc cao; sâu bệnh gây hại ở mức độ thấp. 

Ngoài ra, việc ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương tích cực tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, hỗ trợ nông dân đưa nhiều loại giống lúa mới có chất lượng cao vào sản xuất đại trà nên vụ này hầu hết các cánh đồng lúa của Yên Khánh đều cho năng suất vượt trội. Hiện tại, huyện đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa đông xuân, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho vụ mùa 2021.

Tại huyện Kim Sơn - vựa lúa trọng điểm của Ninh Bình với tổng diện tích gieo cấy lên tới trên 8 nghìn héc ta, tuy chưa vào thu hoạch rộ nhưng dự kiến năng suất cũng rất cao. Đặc biệt, việc tập trung vào gieo cấy các giống lúa thuần, lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng an toàn, hữu cơ đang giúp bà con nông dân nơi đây tiêu thụ lúa thuận lợi hơn với giá bán cao hơn thông thường.

Ông Hoàng Ngọc Mây, Giám đốc HTX Cộng Thành, xã Chất Bình dẫn chúng tôi đi tham quan cánh đồng 18 héc ta cấy lúa ST 25 - giống lúa cho loại gạo ngon nhất thế giới. Ông Mây không giấu khỏi niềm vui: Sau 3 vụ nỗ lực, mày mò, chúng tôi đã tìm được thời vụ, biện pháp thâm canh phù hợp để canh tác giống lúa đặc sản này trên đồng đất Kim Sơn. 

Dự kiến năng suất đạt khoảng 69 tạ/ha. Chưa thu hoạch nhưng sản phẩm đã được thương lái đăng ký thu mua toàn bộ với giá 15 nghìn đồng/kg. Năng suất cao, giá bán cao, vụ này bà con chúng tôi thắng lớn, 1 héc ta thu về hơn 100 triệu đồng.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và BVTV, vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh sản xuất gần 40.000ha lúa, chủ yếu cơ cấu bằng những loại giống lúa mới trung và ngắn ngày có chất lượng tốt. Đánh giá ban đầu cho thấy, năng suất lúa bình quân của tỉnh ước đạt khoảng 67 tạ/ha, cao hơn so với vụ đông xuân năm ngoái 0,5 tạ/ha. 

Bên cạnh năng suất, vụ đông xuân 2020-2021 ở Ninh Bình còn ghi nhận sự chuyển dịch về cơ cấu giống lúa, phương thức canh tác; diện tích lúa chất lượng cao, canh tác theo hướng hữu cơ có xu hướng tăng. Đặc biệt, việc tiêu thụ lúa hiện nay cũng rất thuận lợi, giá bán cao, thu nhập tốt nên bà con phấn khởi. Thành công của vụ đông xuân sẽ góp phần không nhỏ vào tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2021, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: