Thứ Năm, 02/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Xây dựng bản sắc riêng cho nông nghiệp Ninh Bình

Thứ Sáu, 11/08/2023

Không có thế mạnh về sản xuất hàng hóa lớn nhưng nông nghiệp Ninh Bình lại có sự đa dạng về sản phẩm, đặc biệt, tỉnh có hoạt động du lịch rất phát triển. Chính bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nông nghiệp Ninh Bình phải tìm được lối đi riêng, khác biệt so với các địa phương trong cả nước để tận dụng tốt các lợi thế này.

Xây dựng bản sắc riêng cho nông nghiệp Ninh Bình

Du khách tham quan, trải nghiệm sản xuất trà sen Hang Múa - Sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022. Ảnh: Minh Đường

Nhận diện lợi thế

Với vị trí cực Nam vùng đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình có địa thế "tụ sơn tích thủy", hội tụ đặc trưng địa lý của cả 3 vùng là đồng bằng châu thổ sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung bộ. Đặc biệt, tỉnh có bờ biển dài 18 km, hàng năm được phù sa bồi đắp, lấn ra biển hàng trăm héc ta. Có thể nói, Ninh Bình là một Việt Nam thu nhỏ. Chính điều kiện đa dạng tự nhiên đã tạo thành lợi thế hiếm có về đa dạng sinh thái nông, lâm, ngư nghiệp cho tỉnh. 

Cụ thể như: Tiểu vùng đồi, núi, bán sơn địa (Nho Quan, Gia Viễn, Tam Điệp) thuận lợi cho phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi, rau quả, dược liệu; Tiểu vùng trũng (Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô) có thế mạnh để sản xuất lúa - cá, thủy sản, thủy cầm; Tiểu vùng ven đô thị (thành phố Ninh Bình, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp) phát triển sản xuất rau, hoa công nghệ cao; Tiểu vùng đồng bằng (Yên Khánh, Yên Mô và Kim Sơn) phát triển sản xuất lúa, rau; Tiểu vùng ven biển (Kim Sơn) thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản mặn lợ, sản xuất giống, khai thác xa bờ, phát triển lâm nghiệp. 

Ngoài ra, là vùng đất Cố đô với lịch sử hàng nghìn năm, Ninh Bình có rất nhiều sản vật và công thức chế biến đặc biệt, riêng có như: dê núi Hoa Lư, ốc núi Tam Điệp, nem chua Yên Mạc, mắm tép Gia Viễn, rượu Kim Sơn, cơm cháy, cá Rô tổng Trường, cá Tràu tiến vua, trà hoa vàng Cúc Phương… Tuy đa dạng về sản phẩm, nhưng nông nghiệp Ninh Bình lại không có thế mạnh để sản xuất hàng hóa lớn. Diện tích dành cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh khá nhỏ bé. Ngoài cây dứa thì Ninh Bình không phải là vùng chuyên canh chính của các nông sản chiến lược Quốc gia có năng lực xuất khẩu. 

Nhìn nhận vấn đề này, ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho rằng: "Để đem lại giá trị gia tăng cho nông sản không nhất thiết phải đưa nông sản ra thế giới. Ngược lại, chúng ta sẽ mời gọi thế giới đến với Ninh Bình để thưởng thức nông sản, ẩm thực đặc sắc, tươi ngon ngay tại chỗ. Đây là một cách xuất khẩu nông sản rất hiệu quả". 

Thực tế, gần đây, Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam với nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng, quy mô quốc gia và quốc tế như: Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động... Nhiều năm liền Ninh Bình được các chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đón nhiều khách du lịch nhất cả nước. 

Tỉnh xác định quan điểm nhất quán, xuyên suốt là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang tính điều hướng, dẫn dắt các ngành, lĩnh vực phát triển theo hướng xanh, bền vững. Chính bởi vậy, định hướng phát triển nông nghiệp và nông thôn cần đồng bộ với mục tiêu đó. Nội tại của sản xuất nông nghiệp và hoạt động phát triển nông thôn phải trở thành các sản phẩm du lịch. Nông sản và hàng hóa nông thôn phải ưu tiên phục vụ nhu cầu tại chỗ và thị trường du lịch. 

Xây dựng nền nông nghiệp "thuận thiên", đặc hữu

Thời gian qua, nông nghiệp Ninh Bình đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Hoạt động tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp được triển khai bài bản, đồng bộ. Trong đó, triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất. Nâng cao hệ thống hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai. Quyết tâm và sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới. 

Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, tỉnh đặc biệt quan tâm đến phát triển xanh, phát triển bền vững trong nông nghiệp, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sống. Đến nay, toàn tỉnh đã mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, đặc sản theo hướng hữu cơ trên 1,5 nghìn ha (sử dụng phân hữu cơ, áp dụng phương thức mạ khay, máy cấy). Diện tích rau được sản xuất theo hướng hữu cơ tăng qua từng năm. 

Hướng tới nền sản xuất "thuận thiên", các địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi nhiều diện tích cấy lúa 2 vụ bấp bênh sang sản xuất một vụ lúa một vụ cá... Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn hấp dẫn. 

Ninh Bình có cánh đồng lúa Tam Cốc được chuyên trang du lịch Business Insider bình chọn là một trong 5 cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam và từng lọt top 15 địa danh "tuyệt đẹp nhưng ít người biết đến" do tờ Telegraph (Anh) bình chọn. Ngoài ra, còn có nhiều điểm check in được du khách yêu thích như: cánh đồng dứa Đồng Giao, đào phai, vườn cây ăn quả kết hợp với nuôi con đặc sản ở Quèn Thờ (thành phố Tam Điệp); đầm sen ở Hang Múa, vườn nho Hạ đen ở Hoa Lư, hay du lịch trải nghiệm ẩm thực ở xã Khánh Thiện (Yên Khánh)... Đây là bước khởi đầu để tiến đến định hướng sản xuất các sản phẩm nông sản và hoạt động phục vụ cho du lịch. 

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Ninh Bình vẫn chưa khai thác được đầy đủ lợi thế. Với địa bàn đang phát triển mạnh về dịch vụ du lịch, hàng năm đón từ 7-8 triệu lượt khách thì một vài doanh nghiệp, HTX làm du lịch nông nghiệp là quá khiêm tốn. Đặc biệt, chúng ta chưa tích hợp được các giá trị văn hóa, xã hội, môi trường vào trong sản phẩm nông sản, chưa làm tốt việc quảng bá, xây dựng thương hiệu. Tỷ lệ nông sản qua chế biến sâu của tỉnh còn thấp. Để phục vụ nhu cầu khách du lịch mua về làm quà, tỉnh cần xây dựng thêm hệ thống chuỗi giá trị phục vụ việc chế biến, đóng gói, xác nhận tiêu chuẩn, hỗ trợ vận chuyển. 

Ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Tới đây, Ninh Bình sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, "thuận thiên", đặc hữu gắn với du lịch, trên cơ sở tích hợp các giá trị truyền thống và hiện đại để khai thác lợi thế từng tiểu vùng sinh thái. Áp dụng quy trình sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ, tuần hoàn đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống. 

Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với ngành Du lịch tiến hành khảo sát và xây dựng một số vùng sản xuất nông nghiệp đặc thù của tỉnh trở thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Khách du lịch có thể xem cư dân tại chỗ giới thiệu công việc, tham gia các hoạt động trải nghiệm, thưởng thức các nông sản, thu hoạch, mua mang về... 

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ngành định hướng quy hoạch, tôn tạo một số thôn làng, nơi có các di tích, danh lam thắng cảnh đẹp (đền chùa, miếu mạo, cổng làng, giếng, ao hồ, lũy tre...) kết hợp với củng cố và hình hình thành các nền tảng văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật dân gian để hình thành các sản phẩm du lịch nông thôn. 

Đặc biệt, huy động được sức mạnh của cộng đồng nhân dân địa phương tích cực tham gia xây dựng nền kinh tế nông nghiệp và nông thôn hướng về du lịch để mọi người đều được hưởng lợi và có trách nhiệm. Tạo sự kết nối hữu cơ giữa hệ thống nhà hàng, khách sạn và các vùng cung cấp nguyên liệu nông sản... 

Cũng theo ông Đinh Văn Khiêm, hiện nay, quy hoạch nông nghiệp, nông thôn Ninh Bình đã được tích hợp vào các quy hoạch chung của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng thuận thiên, hữu cơ, tuần hoàn, tích hợp đa giá trị. Đây chính là cơ sở để nông nghiệp Ninh Bình dần tạo dựng được bản sắc riêng, khác biệt với các địa phương trên cả nước. 

Nguồn: Nguyễn Lựu - Báo Ninh Bình

https://baoninhbinh.org.vn/xay-dung-ban-sac-rieng-cho-nong-nghiep-ninh-binh/d20230811083618746.htm

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: