Thứ Năm, 09/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Làm tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế

Thứ Tư, 17/02/2021

Năm 2020 chứng kiến nhiều biến động của ngành Nông nghiệp. Trong đó, thiên tai như rét đậm, rét hại, mưa đá đầu vụ đông xuân, nắng nóng, hạn kéo dài đầu vụ mùa đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất; đại dịch toàn cầu COVID-19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi kết nối, cung ứng nông sản. Tuy nhiên, giá trị sản xuất toàn ngành vẫn tăng 3,12%, cao nhất từ trước tới nay.

Làm tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế

Cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa tại Kim Sơn. Ảnh: Anh Tuấn

Con số tăng trưởng ấn tượng

Những ngày đầu tiên của năm 2020, tại một số tỉnh phía Bắc, trong đó có Ninh Bình đã xảy ra mưa đá. Đây được coi là hiện tượng bất thường của thời tiết, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. 

Ngay sau đó, dịch bệnh COVID-19 bùng phát và có những diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động du lịch, các nhà hàng, khách sạn đồng loạt đóng cửa, tác động xấu đến tình hình thương mại nông, lâm, thủy sản. 

Giá gia cầm, trứng gia cầm giảm sâu, các loại thủy sản cao cấp cũng chật vật trong tiêu thụ. Nguồn giống tôm từ miền Trung thì tắc nghẽn không vận chuyển được ra miền Bắc. Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi vẫn tồn tại dai dẳng, khiến giá thịt lợn trên thị trường tăng đột biến… 

Trước thách thức kép là thiên tai và dịch bệnh như vậy, ngành Nông nghiệp đã tìm ra hướng thích nghi, thúc đẩy sản xuất để vừa đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, vừa đảm bảo an sinh xã hội. Trong sản xuất lúa, mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhưng cả 2 vụ đông xuân và vụ mùa vẫn được mùa. Vụ đông xuân năng suất đạt 66,5 tạ/ha, sản lượng trên 267 nghìn tấn. 

Vụ mùa, năng suất đạt 54,2 tạ/ha, cao hơn 0,4 tạ/ha so với vụ mùa 2019. Không chỉ năng suất tăng, mà giá lúa gạo năm 2020 cũng tăng kỷ lục so với nhiều năm trở lại đây, đem đến niềm vui và lợi nhuận đáng kể cho bà con nông dân. Hơn nữa, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực trong điều kiện gia tăng mạnh nhu cầu tích trữ lương thực trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Trong chăn nuôi, việc tái đàn lợn tại các địa phương sau đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi được đánh giá cao, góp phần quan trọng bảo đảm nguồn cung, đưa giá thịt lợn về mức hợp lý. Tổng đàn lợn năm 2020 ước đạt 287 nghìn con, tăng 14,8% so với cùng kỳ, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển. Sản xuất thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành mũi nhọn, phát triển mạnh cả về nuôi trồng và khai thác, tổng sản lượng thủy, hải sản ước đạt 60,7 nghìn tấn, tăng 10,02% so với năm 2019.

Tuy nhiên, điểm nhấn của hoạt động sản xuất nông nghiệp năm 2020 phải kể đến đó là việc chúng ta đã thực hiện có hiệu quả các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đất màu, đất vườn tạp kém hiệu quả sang các mô hình chăn nuôi tổng hợp, trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: nuôi thủy sản kết hợp với trồng cây ăn quả, trồng sen kết hợp với làm du lịch... 

Bên cạnh đó là triển khai sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao; bước đầu tiếp cận với phương thức sản xuất hữu cơ, qua đó nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản.

Với kết quả trên, giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp đã đạt con số ấn tượng 9.214 tỷ đồng, tăng 3,12% so với năm 2019, cao nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng để nền kinh tế của tỉnh giữ được mức tăng trưởng dương. 

Tăng cường đầu tư cho "trụ đỡ" của nền kinh tế

Không thể phủ nhận, lâu nay có hiện tượng ở một vài địa phương, đặc biệt là những vùng du lịch, dịch vụ, công nghiệp phát triển, người dân ít quan tâm đến sản xuất nông nghiệp dẫn đến tình trạng bỏ vụ, bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp. 

Làm tốt vai trò Trụ đỡ của nền kinh tế

Thu hoạch bí xanh vụ Đông tại thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh).

Tuy nhiên, năm 2020, hiện tượng này đã được khắc phục đáng kể. Thấy rõ nhất là những cánh đồng lúa ở Ninh Hải, Ninh Thắng, Trường Yên của huyện Hoa Lư. Nếu như mọi năm, chỗ cấy, chỗ bỏ, nơi thì cỏ tốt hơn lúa và cả ngày chẳng thấy bóng người nông dân nào ra đồng thì năm nay đồng ruộng lúc nào cũng có người chăm nom, lúa vào vụ thu hoạch trải đều tăm tắp, vàng ruộm một màu, nặng hạt, trĩu bông. 

Chị Nguyễn Thị Sen, thôn Trường Thịnh, xã Trường Yên, chia sẻ: "Tôi làm lái đò ở Tràng An, do dịch bệnh có những thời điểm phải nghỉ việc, thu nhập giảm đáng kể nhưng may mắn là gia đình vẫn còn đồng ruộng để "trông vào". 5 sào lúa trước kia bỏ bê, cấy chẳng đủ ăn, nay chăm bẵm ngày đêm, năng suất hơn hẳn, không những đủ ăn mà còn dư để bán. Nhà có sẵn rau, sẵn gạo để ăn, bớt tiêu pha đi một chút thế là ổn, dịch dã cũng chẳng lo". 

"Phi nông bất ổn", "Nông suy bách nghệ bại" có thể hiểu nôm na là nông nghiệp mà không bảo đảm thì đất nước, xã hội sẽ khó ổn định. Lời dạy của ông cha xưa giờ đây vẫn còn nguyên giá trị. Năm 2020, một lần nữa, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp, nhà máy, dịch vụ thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân công thì nông nghiệp lại trở thành điểm trở về cho những lao động thất nghiệp, giảm sức ép về công ăn việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

ở mọi thời điểm khó khăn của nền kinh tế đất nước, nông nghiệp luôn khẳng định vai trò là nền tảng, là "trụ đỡ". Tăng cường đầu tư hiệu quả hơn nữa để củng cố "trụ đỡ" này là yêu cầu cần thiết. Nông nghiệp hiện nay vẫn đang thiếu nguồn vốn đầu tư và thiếu các chính sách có khả năng áp dụng vào thực tế một cách linh hoạt và hiệu quả. 

Vì vậy, Nhà nước cần tăng nguồn vốn cho nông nghiệp, bên cạnh đó nghiên cứu ban hành thêm các chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay, lãi suất, bảo hiểm với những điều kiện hợp lý, triển khai thuận lợi. Riêng với đặc thù tỉnh ta, cần chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ. 

Tập trung vào các lĩnh vực và sản phẩm đặc hữu có tính đột phá, hiệu quả cao gắn với phục vụ du lịch. Tăng cường cơ giới hóa, bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch để gia tăng giá trị sản phẩm. Từ đó, chuyển nền nông nghiệp từ giá trị gia tăng thấp, khai thác tài nguyên sẵn có sang giá trị gia tăng cao, đem lại thu nhập ổn định và chất lượng cuộc sống ngày càng cao cho nông dân. 

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: