Thứ Năm, 09/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Xây dựng thương hiệu cho rau cần Yên Hòa

Thứ Ba, 22/12/2020

Nghề trồng rau cần ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mô đã có từ lâu đời. Bí quyết chăm sóc đặc biệt của người dân cộng với điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước phù hợp mà rau cần Yên Hòa nổi tiếng giòn, ngọt, đậm đà, được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng.

Xây dựng thương hiệu cho rau cần Yên Hòa

Nông dân xã Yên Hòa thu hoạch rau cần. Ảnh: Hoàng Hiệp

Những ngày cuối năm, về Yên Hòa, chúng tôi được đồng chí Mai Quang Kìn, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản Yên Hòa dẫn đi thăm vùng sản xuất rau cần tập trung lớn nhất của xã ở thôn Liên Trì 2. Đường ra ruộng mà cây xanh trồng thẳng tắp, mặt đường rộng hai ô tô tránh nhau thoải mái, hệ thống kênh mương kiên cố, toàn bộ các ao cần đều được quây tấm bê tông ngay ngắn, vuông vức…, từng đó thôi cũng cho tôi cảm nhận đây là một vùng quê giàu có. Thời tiết khá lạnh nhưng dường như chẳng có ao cần nào vắng đi sự hiện diện của những người nông dân cần mẫn. Chỗ thì cấy lứa mới, nơi lại đang thu hoạch, đàn ông nhổ rau, đàn bà rửa, nhặt rễ và bó thành mớ… không khí lao động vô cùng rộn ràng. Chị Hoàng Thu Hằng chia sẻ: 5 năm trở lại đây, năm nào gia đình tôi cũng cấy khoảng 1 mẫu rau cần. Nhìn chung, rau cần dễ cấy, dễ chăm sóc, vất vả và tốn công nhất là khâu thu hoạch, còn lại chi phí giống, phân bón thấp, đặc biệt loại rau này hầu như chẳng mấy khi có sâu bệnh. Bình quân 1 sào rau cần thu lãi khoảng 10-15 triệu đồng, tùy vào giá cả thị trường.

Tương tự, gia đình anh Phạm Văn Huyền cũng cấy 7 sào rau cần. Anh cho biết: Cây rau cần gắn bó với người dân Yên Hòa từ lâu đời rồi nên bà con có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm bón, điều tiết nước. Thứ nhất là phải sử dụng nguồn nước sạch lọc từ nguồn nước sông Ghềnh, thứ hai là bón phân cân đối, không lạm dụng phân đạm và tuyệt đối không sử dụng hóa chất kích thích sinh trưởng hay thuốc BVTV. Khi ruộng cần có sâu chỉ cần dâng nước lên để cho con sâu ngộp nước mà chết rồi gạt đi chứ không phải phun thuốc. Nhờ vậy, rau cần của chúng tôi có độ trắng, giòn, ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, rau cần Yên Hòa ngoài tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh còn xuất đi các tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và được thị trường đánh giá rất cao.

Được biết, hiện nay, xã Yên Hòa có hàng trăm hộ trồng rau cần, với tổng diện tích vào khoảng 70 ha. Hộ ít có khoảng 3 sào, hộ nhiều lên đến một mẫu, chủ yếu tập trung ở thôn Liên Trì, còn lại trồng rải rác ở các thôn khác. Nhờ trồng rau cần mà đời sống kinh tế nhiều hộ trở nên khá giả.

 Rau cần Yên Hòa đã khá nổi tiếng và đang được tư thương ở các chợ đầu mối của thành phố về tại bờ thu mua và bao tiêu sản phẩm nhưng thực tế thì giá cả vẫn rất bấp bênh. Cụ thể như năm nay, đầu vụ giá cần lên tới 9-10 nghìn đồng/1kg, nhưng ở thời điểm hiện tại chỉ còn 3 nghìn đồng/1kg. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho cây rau cần, đặc biệt là ở các siêu thị và hệ thống cửa hàng rau an toàn cho rau cần Yên Hòa là yêu cầu cấp thiết lúc này. Gần đây, xã Yên Hòa đang đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nắm vững và thực hiện tốt quy trình sản xuất rau an toàn. Bên cạnh đó, đầu tư, xây dựng kiên cố hóa hệ thống kênh tưới tiêu, cung cấp nước cho vùng sản xuất rau. Đồng thời tăng cường tham gia các chương trình, hội chợ nông sản quảng bá sản phẩm rau cần đến với người tiêu dùng. 

Ông Mai Quang Kìn, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản Yên Hòa cho biết thêm: Năm nay, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp&PTNT, chúng tôi đang thí điểm vùng trồng rau cần theo hướng hữu cơ quy mô 6 ha. Theo đó, thực hiện kiểm soát chặt chẽ từ khi xử lý môi trường ao cấy, xử lý nguồn nước, lựa chọn nguyên liệu giống. Trong quá trình chăm bón, tuyệt đối không sử dụng phân hóa học, hay các thuốc điều hòa sinh trưởng cũng như các thuốc kích thích khác, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Cách làm này bước đầu cho tín hiệu tích cực về năng suất, chất lượng. Cây rau cứng cáp hơn, giòn hơn, ngon hơn. Dự kiến trong thời gian tới chúng tôi sẽ hoàn thiện khâu sơ chế, bao gói và thực hiện gắn logo nhãn hiệu khi xuất bán, góp phần bảo đảm chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường tiêu thụ.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: